Chỉnh sửa “lỗi của tạo hóa”

“Ngày nọ, chồng tôi ngờ ngợ khi thấy bé chỉ có dương vật mà thiếu hai tinh hoàn. Kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể giới tính cho thấy bé là con gái...”.

 

Chỉnh sửa “lỗi của tạo hóa”

 

“Mười năm nay gia đình tôi cứ nghĩ bé là con trai. Bé được cắt tóc ngắn, chơi nhiều trò chơi của con trai và mặc đồ con trai. Ngày nọ, chồng tôi ngờ ngợ khi thấy bé chỉ có dương vật mà thiếu hai tinh hoàn. Kết quả xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể giới tính cho thấy bé là con gái”, chị L.T.T.N. (36 tuổi, ngụ TPHCM) nói khi đưa con vào phòng mổ của BV Nhi Đồng 2 để chỉnh sửa giới tính cho con.

 

Mơ hồ giới tính

 

Nhiều trẻ em bị rối loạn phát triển giới tính, dẫn đến mơ hồ giới tính khi có bộ phận sinh dục phát triển không bình thường, hoặc không rõ ràng như: có dương vật không có tinh hoàn, có buồng trứng và có cả tinh hoàn, chỉ có một tinh hoàn...

 

PGS.TS.BS Lê Tấn Sơn, Trưởng khoa Niệu V Nhi Đồng 2, Trưởng Bộ môn Ngoại Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, giải thích: Ba yếu tố chính gây ra tình trạng mơ hồ về giới tính gồm: tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, gien (nhiễm sắc thể), tuyến sinh dục. Trường hợp con của chị L.T.T.N. là do rối loạn nội tiết đã làm tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh, nội tiết tố nam tăng quá nhiều, khiến âm vật phát triển lớn như dương vật, hai môi lớn giãn rộng có nếp nhăn như bìu.

 

Do đó, những bé này có bộ phận sinh dục giống như nam giới nên khiến nhiều bà mẹ tưởng bé gái là bé trai. Tuy nhiên những trường hợp này, bé lại không có tinh hoàn như những bé trai bình thường. Nghiên cứu cho thấy, 90% trường hợp này là do bản thân thai nhi bị rối loạn sản xuất hormone nam, 10% là do các bà mẹ đã vô tình sử dụng quá nhiều thuốc có nguồn gốc nội tiết tố nam (testosterone) trong thai kỳ. Để chỉnh sửa giới tính cho những trường hợp này, BS sẽ phẫu thuật tạo hình âm vật và tạo hình âm đạo cho bé.

 

Một số trẻ mang nhiễm sắc thể giới tính nam (XY) nhưng bộ phận sinh dục lại có hình dáng gần giống như của bé gái (y học gọi là lưỡng giới giả nam). Mới đây, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận một bé gái gần 2 tuổi đến mổ thoát vị bẹn.

 

Các BS nhận thấy ở phía trên gần xương mu của bé có khối u tròn nhỏ. Khi xét nghiệm giới tính thì thấy bé gái mang nhiễm sắc thể XY và khi thực hiện phẫu thuật thì các BS nhận thấy khối u đó chính là tinh hoàn. Những trường hợp này là do “lỗi” của tuyến sinh dục. Có những trường hợp đặc biệt, ngoại hình là nữ, nhưng tuyến sinh dục nam, chỉ phát hiện khi bé gái đến khám vì thoát vị bẹn hoặc không có kinh nguyệt, vô sinh. Thuật ngữ y khoa gọi đây là “tinh hoàn nữ hóa”.

 

Với trường hợp mơ hồ về giới tính do gien thì trẻ vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn (y học gọi là lưỡng giới thật). Lúc này việc lựa chọn giới tính thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình bệnh nhi, BS chỉ có vai trò tư vấn ưu và khuyết điểm. Nếu gia đình quyết định cho bé trở thành con gái thì BS chỉ cần cắt bỏ tinh hoàn và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau nếu âm đạo phát triển khá hoàn chỉnh. Còn nếu gia đình muốn là con trai thì BS sẽ cắt bỏ buồng trứng; tuy nhiên đến khi trưởng thành thì hệ thống ống dẫn tinh đã bị xơ hóa, lúc đó, sẽ không thể sinh con, dù nội tiết tố nam vẫn còn hoạt động.

 

Ngoài ra, còn một rối loạn giới tính khác do gien của trẻ là loạn sản tuyến tinh dục hỗn hợp. Những bé này không có tinh hoàn một bên nhưng bên trong đó chỉ là vòi trứng có thể kèm theo buồng trứng thoái hóa bẩm sinh. Những trường hợp này, trẻ có nguy cơ ung thư tuyến sinh dục rất cao.

 

Một ca phẫu thuật điều trị rối loạn giới tính sinh học ở BV Bình Dân TP.HCM

 

Nên tham khảo ý kiến của bé trước khi mổ

 

BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TPHCM cho rằng, những trường hợp rối loạn khuynh hướng giới tính (người có nhu cầu chuyển giới và người bị rối loạn giới tính sinh học - mơ hồ giới tính) được xem là đang mắc bệnh. Tuy nhiên, trước khi quyết định phẫu thuật chuyển đổi giới tính, người bệnh nên đến BS tâm lý, tâm thần để được tư vấn trước, vì không phải trường hợp phẫu thuật nào cũng đem lại hạnh phúc.

 

Để tránh tình trạng bệnh nhân hối tiếc sau khi phẫu thuật chuyển giới và tránh xảy ra “tai biến tâm lý” mặc cảm xã hội, trước tiên, BS sẽ giải tỏa những khó khăn, vướng mắc với giới tính đang tồn tại. Kế tiếp, BS sử dụng liệu pháp tâm lý cho người bệnh hình dung được giới tính sau phẫu thuật cùng với những mối quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội đan xen.

 

Người bệnh sẽ được học theo các mẫu hình của đàn ông hay dịu dàng của phụ nữ. Nếu đáp ứng tốt, người bệnh sẽ được mặc quần áo với đúng nguyện vọng của giới tính cần phẫu thuật trong suốt sáu tháng để theo dõi có thực sự thích nghi được với cuộc sống của một giới tính hoàn toàn khác biệt trước đây hay không rồi mới quyết định phẫu thuật.

 

Cuộc sống sau này của trẻ bị rối loạn phát triển giới tính sẽ ra sao? ThS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: với bé vừa có tinh hoàn vừa có buồng trứng, nếu gia đình chọn giới tính nam thì việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN) còn tùy thuộc vào khả năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn. Nếu ống dẫn tinh bị tắc mà tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng thì có thể có con. Lúc đó, BS sẽ lấy tinh trùng từ phẫu thuật như hút tinh trùng từ mào tinh hay từ mô tinh hoàn. Nếu tinh hoàn không sản xuất tinh trùng thì cũng có thể TTTÔN bằng cách xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng.

 

Hiện hai bệnh viện nhi tại TP.HCM đã phẫu thuật trả lại giới tính cho nhiều trẻ em bị rối loạn phát triển giới tính. BS Lê Tấn Sơn khuyên, khi phát hiện bé có bộ phận sinh dục không bình thường, phụ huynh cần đưa bé đến các cơ sở điều trị ngay, vì càng lớn tính cách trẻ càng dễ bị định hình theo giới tính bên ngoài. Và khi trẻ nhận thức được giới tính giả, trẻ sẽ dễ mặc cảm.

 

Theo Văn Thanh

Phụ nữ online