Chị em cần cảnh giác khi bụng to dần, hay có cảm giác đầy bụng
(Dân trí) - Có những chị em khi thấy bụng to lên lại nghĩ do lên cân, nhưng lại kèm cảm giác đầy bụng, tiểu lắt nhắt... cần cảnh giác vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng gặp nhiều ở nữ giới, biểu hiện bệnh rất mơ hồ, các ca bệnh chủ yếu phát hiện giai đoạn muộn.
Ung thư buồng trứng có thể gặp ở bất cứ chị em phụ nữ nào. Tuy nhiên, với những người có yếu tố dưới đây, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn:
- Phụ nữ có mẹ, con, chị, em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng.
- Phụ nữ xét nghiệm có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Được bác sĩ cung cấp thông tin trong gia đình có gen di truyền ung thư đại trực tràng (còn gọi là hội chứng Lynch II).
- Đã từng bị bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Có dùng thuốc nội tiết sau mãn kinh.
Các bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ, trong đó có thăm khám phụ khoa để được phát hiện nguy cơ ung thư.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều chị em chủ quan với dấu hiệu bụng to lên, cảm giác đầy bụng, tiểu lắt nhắt... chỉ nghĩ đơn giản do lên cân. Có những trường hợp vào bệnh viện bụng to, dù trên cơ thể ngoài bụng không có nhiều thay đổi cho thấy béo lên.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng tiếp nhận trường hợp bà cụ 80 tuổi vào viện trong tình trạng bụng chướng căng như người mang bầu 9 tháng.
Ngoài dấu hiệu bụng chướng căng, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, đại tiện khó, khó thở, không đi lại vận động được vì bụng to lên nhanh, gây khó khăn cản trở trong việc sinh hoạt hàng ngày.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bụng bệnh nhân chướng nhiều, tuần hoàn bàng hệ dương tính, dịch ổ bụng mức độ nhiều. Đo vòng bụng 120 cm tương đương với mang thai 9 tháng. Kết quả thực hiện các xét nghiệm lâm sàng cho thấy: CT ổ bụng có nang buồng trứng trái kích thước 26x19x15 cm chèn ép các tạng trong ổ bụng, có nhiều ngăn, nhiều vách mỏng, nhiều dịch tự do trong ổ bụng, marker ung thư CA12-5 tăng cao.
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán: Khối u buồng trứng khổng lồ nghi ác tính, có chỉ định phẫu thuật..
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ, cắt mạc nối lớn, công phá tối đa khối ung thư di căn cho người bệnh. Sau phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra khối u nặng khoảng 10 kg và số lượng lớn dịch nhày (giống thạch), bệnh nhân được lau rửa làm sạch ổ bụng tỉ mỉ nhằm tránh làm sót nhiều chất nhày trong ổ bụng có thể gây biến chứng dính tắc ruột, viêm phúc mạc.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức, theo dõi cẩn thận để tránh các tai biến về tim mạch hay thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (là một biến chứng hay xảy ra trên bệnh nhân ung thư buồng trứng).
BSCKII Nguyễn Thanh Hà, khoa Phụ sản, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, với ung thư buồng trứng, đã có di căn, thì việc phẫu thuật lấy được tối đa khối ung thư sẽ giúp quá trình điều trị tiếp theo cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao hơn.
Với ung thư buồng trứng, do các dấu hiệu mơ hồ nên nhiều chị em dễ bỏ qua các tín hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư.
Chị em phụ nữ cần lắng nghe, phát hiện những bất thường của cơ thể (nếu có). Theo đó, khi phát hiện các dấu hiệu như: Đau bụng vùng dưới rốn, đầy bụng; Đi tiểu lắt nhắt; Bụng to dần... cần đi khám ngay. Chị em ko nên chủ quan, bởi các triệu chứng ban đầu thường nhẹ, cũng có thể là triệu chứng của những bệnh khác nên thường làm cho chị em mất cảnh giác trì hoãn. Lúc này, chị em nên đến bệnh viện để bác sĩ khám, loại trừ nguy cơ ung thư buồng trứng.
Trong quá trình khám phụ khoa, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có nguy cơ ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm CA125; siêu âm; xét nghiệm tổng quát... thậm chí chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ...