Chất lượng các dịch vụ y tế tư nhân: Ai quản?
(Dân trí) - Một thực tế đang xảy ra ở các nhà thuốc Tây y, các cơ sở khám chữa bệnh Đông y, thẩm mỹ viện tư nhân… là khi có giấy phép hành nghề, họ có thể quảng cáo quá lên và dám làm cả những việc không có trong giấy phép hoạt động. Chỉ khi có người bệnh tử vong thì các cơ quan chức năng mới “sờ” đến…
Dịch vụ Đông y - chất lượng bát nháo
Có bệnh thì vái tứ phương, khi đọc được những dòng quảng cáo về thuốc Đông y gia truyền kiểu “chữa được bách bệnh”, dù chưa biết thực hư thế nào bệnh nhân vẫn tràn trề hy vọng là sẽ gặp được thầy giỏi, thuốc hay. Vì sự cả tin này mà không ít người đã tiền mất, tật mang, thậm chí một số người còn bị thiệt mạng.
Cách đây không lâu, chỉ vì tin vào những lời quảng cáo không có căn cứ mà vợ chồng anh Phan Ngọc T. ở huyện Tuy An, Phú Yên đã đưa đứa con nhỏ của mình đến thầy lang Sáu Anh cùng quê chữa trị khi cháu bị bỏng. Hậu quả là sau mấy ngày được thầy cho uống thuốc “gia truyền” thì cháu bé bị nhiễm trùng và chết.
Bên cạnh các bệnh thường gặp như: chàm, nấm, vẩy nến, á sừng, lang ben… được các nhà thuốc Đông y quảng cáo rầm rộ, một số nhà thuốc khác còn quảng cáo chữa được cả bệnh nan y như: “Bác sĩ đông y điều trị ung thư vú không cần phẫu thuật… Các bác sĩ áp dụng phương pháp chữa trị bằng thuốc bắc, trong uống ngoài bôi kết hợp châm cứu và bào chế được bài thuốc độc đáo, điều hoà nội tiết, hoạt huyết hoá u, tiêu u”. Khi đọc được những lời quảng cáo này, hẳn nhiều người bệnh sẽ nghĩ rằng mình đã gặp được thần y…
Nói về quảng cáo dạng này, một bác sĩ của Bệnh viện K cho rằng: Đây là loại quảng cáo có hại hơn là có lợi cho người bệnh. Những từ như: “U vú được chia thành hai loại u nang và u xơ hay còn gọi là u lành” thuộc dạng ngô nghê, không đúng chuyên môn. Những từ ngữ nhập nhằng này và kiểu lập luận không đúng căn cứ khoa học làm cho người đọc không có chuyên môn càng thêm rối.
Ông cũng cho biết thêm là quảng cáo chữa bệnh ung thư vú không cần phẫu thuật là phản ánh không đúng những thông tin khoa học về nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị bệnh này. Trong y học, u vú có nhiều loại khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau. Riêng u lành có loại có thể điều trị nội khoa, nhưng vẫn có u phải mổ như áp xe, u xơ, u mỡ, u nang. Quan trọng nhất là phải phân biệt, chẩn đoán bằng khoa học để xác định rõ u lành hay u ác để có hướng điều trị. Nếu người bệnh cả tin theo các quảng cáo dạng này, có thể sẽ đánh mất cơ hội điều trị sớm, đúng phương pháp và cơ hội sống còn rất ít.
Bên cạnh các nhà thuốc ở thành phố lớn được quảng cáo như đã nói, thì ở các địa phương cũng có không ít những hàng thuốc được bày bán tràn lan mà không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào của các cơ quan chuyên môn.
Trong những chuyến đi công tác, chúng tôi có dịp dạo qua các chợ huyện, chợ xã ở nhiều địa phương, ở đó các quầy thuốc được bày bán trong những chiếc mẹt, thuốc nam, thuốc bắc, kháng sinh đều có đủ cả. Không ai dám chắc rằng những hàng thuốc đó là đảm bảo chất lượng và không có thuốc giả. Và cuối cùng, người chịu thiệt hại không ai khác là chính những người dân nhẹ dạ cả tin.
Tây y, thẩm mỹ viện - coi chừng mất mạng!
Vài ba năm trở lại đây, đã có không ít người dân bị thiệt mạng khi tìm đến các loại dịch vụ thẩm mỹ. Mới đây nhất là ngày 19/4/2005, chị Ngô Thị Kim H. ở xã Bắc Hà, Đông Anh, Hà Nội đã bị chết khi đi thẩm mỹ nâng ngực tại cửa hàng uốn tóc thẩm mỹ Hồng Chi - Sài Gòn (số 1 dốc Ga Long Biên, Hà Nội). Điều đáng nói là sau khi chị H. chết mấy ngày, vẫn có nhiều người khác tìm đến cơ sở này để làm đẹp mà không hề hay biết về những hiểm hoạ đang rình rập họ.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các dịch vụ thẩm mỹ không được thực hiện các kỹ thuật gây chảy máu như xăm môi, xăm mày, hút mỡ. Nhưng dường như nó không có hiệu lực đối với hầu hết các cơ sở tư nhân.
Bên cạnh các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp không đúng chuyên môn đã đến hồi báo động, thì chất lượng của các nhà thuốc tư nhân cũng cần phải được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn. Như chúng ta đã biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ làm thuốc tân dược giả.
Điển hình là vụ Nguyễn Bảo Tân và Lê Quang Thái ở Hà Nội làm giả nhãn mác hàng chục loại thuốc ngoại rồi đem đi bán cho một số cửa hàng thuốc. Hay qua kiểm tra hành chính, quản lý thị trường và công an TPHCM phát hiện và thu giữ trên 2,5 tấn thuốc tân dược giả tại số nhà 155A Trần Văn Đang, phường 11 quận 3.
Với việc làm thuốc giả ngày càng nhiều và tinh vi đến mức các bác sĩ nếu không cẩn thận cũng khó mà phân biệt, thì ở một số nhà thuốc tư nhân có thuốc thật giả lẫn lộn là điều dễ hiểu. Theo cơ quan chức năng, số thuốc bị làm giả có cả những loại thuốc trị bệnh hiểm nghèo, các bệnh liên quan đến tim mạch. Những loại thuốc này tập trung vào các nhóm: Làm giả nhãn mác, giả hàm lượng, giả nơi xuất xứ và đặc biệt nguy hiểm là gia hạn sử dụng cho các loại thuốc đã hết hạn.
Ngoài việc thuốc bị làm giả, chất lượng thực sự của các quầy kinh doanh tân dược cũng là điều đáng được quan tâm. Nhiều cửa hàng thuốc chỉ thuê bằng cấp của bác sĩ, dược sĩ để được phép kinh doanh, còn sau đó mua bán thế nào lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Dạo qua một số cửa hàng thuốc ở Hà Nội, có những nơi người bán thuốc chỉ là một cô bé mặt búng ra sữa. Liệu những “dược sĩ” này có được bao nhiêu kiến thức về tân dược và y học?
Người dân sẽ trông chờ vào đâu đây khi đông y không thuận mà tây y cũng chẳng xuôi?
Thái Anh