1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chất cấm trong chăn nuôi nguy hại đến sức khỏe con người như nào?

(Dân trí) - Người sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng chất cấm thuộc nhóm β2-agonist cao sẽ có nguy cơ rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, sẩy thai,…Ngoài ra, khi người sử dụng thực phẩm chứa hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan,…Có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon cơ thể…

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Người dân ăn phải thức phẩm có hàm lượng chất cấm cao rất có hại cho sức khỏe (ảnh: Nguyễn Dương)
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Người dân ăn phải thức phẩm có hàm lượng chất cấm cao rất có hại cho sức khỏe (ảnh: Nguyễn Dương)

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, chất cấm trong chăn nuôi có 2 loại: Chất cấm: Chất tăng trưởng có 2 nhóm chính: nhóm β2-agonist và nhóm steroid; nguy hiểm nhất là các chất tăng trọng nhóm β2-agonist; Chất tạo màu Auramine (Vàng – O) dùng để tạo màu cho thức ăn chăn nuôi.

Tác hại của chất cấm đến vật nuôi

Các chất β2-agonist: là các dẫn xuất tổng hợp của catecholamine (adrenaline).Trong dược học, đây là nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Các chất nhóm này còn có tác dụng làm giãn cơ trơn của đường khí phế quản dẫn đến mở rộng đường khí phế quản, giúp các bệnh nhân hen suyễn, bệnh đường phổi hô hấp bình thường trở lại.

Trong danh mục các hóa chất cấm của Bộ NN&PTNT, có 7 hợp chất thuộc nhóm chất β2-agonist bao gồm: Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Fenoterol, Ractopamine, Salbutamol và Terbutaline. Phổ biến là các chất Clenbuterol, Salbutamol và Ractopamine, trong đó Clenbuterol là chất nguy hiểm nhất.

Tất cả các nước trên thế giới đều cấm sử dụng Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi.

Hầu hết các nước trên thế giới cũng đã cấm sử dụng Ractopamine. Riêng Mỹ và các nước trong khu vực châu Mỹ (khoảng 26) nước cho phép sử dụng có kiểm soát chặt Ractopamine trong chăn nuôi.

Các chất β2-agonist: Chất kích thích tăng trưởng: Thúc đẩy phát triển cơ bắp, phân giải lipid; Điều khiển các chất dinh dưỡng tới mô cơ; Tăng sinh quá trình tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ; Giảm tích lũy mỡ trong cơ thể.

Tác dụng trên lợn: Từ ngày thứ 2 sau khi sử dụng là lợn đã bắt đầu có dấu hiệu thay đổi; Từ ngày thứ 3 lợn sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì; Sau ngày thứ 10 lợn bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm chân đứng không vững; Thường là khoảng sau 15 ngày sử dụng là phải xuất bán vì nguy cơ gẫy chân rất cao; Không chỉ nở mông vai và siêu nạc mà lợn còn cho kết quả tăng trọng cao hơn từ 15-20%.

Chất Auramine (Vàng – O) là chất màu trong công nghiệp dệt: là chất cấm sử dụng trong thực phẩm, tan tốt trong nước, ethanol.

Là chất màu vô cơ được cho vào thức ăn chăn nuôi hoặc pha thành dung dịch ngâm gia cầm nhằm tạo màu vàng cho da, chân (hoặc cho lòng đỏ trứng) gà. Gây ra các bệnh cho gan, thận, tủy xương với gia xúc; Tạo ra các khối u trên động vật thí nghiệm,…

Tác hại chất cấm đến con người

Tác dụng chất β2-agonist: Các chất này tồn dư lại trong sản phẩm thực phẩm gây ra các tác hại lớn cho người sử dụng như:

Ngộ độc cấp tính: Xảy ra khi người sử dụng các sản phẩm có hàm lượng cao các chất β2-agonist. Rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp, nguy cơ sẩy thai,…

Ngộ độc mãn tính: Khi người sử dụng thực phẩm chứa hóa chất tăng trưởng trong thời gian dài có thể gây nhiễm độc gan,…Có thể dẫn đến rối loạn hệ thống hormon cơ thể.

Auramine O (vàng Ô): Ngộ độc cấp: Thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp với chất Vàng – O; Trên da: gây dị ứng, ngứa,…; Trên đường hô hấp: Gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi,…Trên hệ tiêu hóa: Gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, trụy tim mạch,…

Ngộ độc mãn tính: Parodi (1982) nghiên cứu trên động vật cho thấy Vàng – O (Auramine) gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt. Nhiều thí nghiệm cho thấy Vàng – O làm tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương.

“Về vấn đề kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi: Bộ NN&PTNT, các cơ quan kiểm tra thú y của các địa phương phải có trách nhiệm giám sát việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi. Xác định nhóm β2-agonist, test (kiểm tra) nhanh nước tiểu của động vật (trong thời gian khoảng chưa đến 30 phút)” - PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo cho biết.

Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi sẽ chính thức áp dụng vào 1/7/2016, những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể phải lĩnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền tới 3 tỉ đồng và bị cấm sản xuất, kinh doanh. Người chăn nuôi lợn sử dụng chất cấm có thể bị mất trắng vì đàn lợn sẽ bị tiêu huỷ khi phát hiện dùng chất cấm.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm