Chàng trai trẻ bị tổn thương thần kinh vì mê... bóng cười

(Dân trí) - “Chơi” bóng cười hơn một năm nay, nam thanh niên 26 tuổi càng lúc càng phải tăng liều mới có cảm giác “phê” và có lần sử dụng tới 20 quả bóng cười trong một lần chơi. Hậu quả là nam thanh niên này được gia đình đưa vào viện với biểu hiện rối loạn cảm giác và vận động.

BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nam 26 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện hôm ¼ với các biểu hiện rối loạn cảm giác và vận động.

Thời điểm vào viện, bệnh nhân có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Qua khám lâm sàng và xét nghiệm còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.


Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

Qua khai thác tiền sử, các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khí N2O (ôxít nitơ) do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài.

Theo lời kể, hơn một năm nay bệnh nhân bắt đầu chơi bóng cười. Thời gian đầu, “thử để biết cho vui” nên bệnh nhân dùng ít, chỉ 1 – 2 quả một lần là đã có cảm giác. Tuy nhiên, một thời gian sau, số lượng này không còn mang lại cảm giác “phê” cho bệnh nhân nên nam thanh niên này đã phải tăng liều dần.

Gần đây nhất, có lần bệnh nhân sử dụng tới 20 quả bóng cười trong một lần chơi và thường xuyên dùng dùng. Theo lời bệnh nhân, phải đến số lượng như này anh mới có cảm giác “phê”.

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các dấu hiệu bệnh nhân đang gặp phải là rất điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh. Đáng nói, đây không phải là ca bệnh duy nhất, Trung tâm Chống độc cũng đã từng tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến điều trị trong tình trạng tương tự.

“Bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Tuy nhiên, khí N2O khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch”, BS Nguyên nói.

BS Nguyên giải thích thêm, bình thường một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ, nhưng trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy, và nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.

“Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc”, BS Nguyên giải thích.

Với tính chất nguy hiểm của nó (gây tổn thương thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác, đồng thời có thể gây thiếu máu, ức chế tủy xương và một loạt tác động khác lên cơ thể, thậm chí khả năng sinh sản cũng bị giảm), chúng tôi khuyến cáo các bạn trẻ không sử dụng các khí này.

“Lạm dụng khí cười thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm. Do đó, không nên giải trí bằng bóng cười, không nên dại dột “thử” rồi thành thật, bị lạm dụng lúc nào không hay”, BS. Nguyên khuyến cáo.

Hồng Hải