1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam:

Chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở huyện biên giới Tây Giang

(Dân trí) - Trong vòng hơn một tháng qua, trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang đã phát hiện 56 trường hợp bị bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, có 6 trường hợp nặng phải chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tiếp tục điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang - cho biết hiện nay, mỗi ngày, tại Trung tâm Y tế huyện lại tiếp nhận thêm vài trường hợp có biểu hiện sốt xuất huyết. Địa bàn có người nhiễm bệnh nhiều nhất là xã Atiêng.

Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi vùng có dịch thôn Agrồng, xã Atiêng
Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi vùng có dịch thôn Agrồng, xã Atiêng

Điều đặc biệt là năm nay, huyện biên giới Tây Giang lần đầu tiên mới xuất hiện bệnh sốt xuất huyết. “Từ xưa giờ trên địa bàn Tây Giang không xuất hiện sốt xuất huyết nên mọi người cũng khá chủ quan”, bác sĩ Thông cho hay.

Sau khi phát hiện có dịch, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng phương án phòng, chống dịch chủ động, trực tiếp chỉ đạo trạm y tế 10 xã theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Nếu phát hiện sớm trường hợp mắc thì phải và chủ động dập tắt, không để xảy ra dịch lớn, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, tử vong; đảm bảo đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất... sẵn sàng đáp ứng nhanh khi có dịch xảy ra.

Ngoài ra, Trung tâm còn mời bác sĩ tuyến trên về tổ chức tập huấn lại việc chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh nhân, côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế, đội ngũ cộng tác viên tuyến xã.

Trung tâm y tế huyện Tây Giang tập huấn công tác tuyên tuyền cho gần 100 cán bộ các xã, hiệu trưởng các trường trên địa bàn để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết
Trung tâm y tế huyện Tây Giang tập huấn công tác tuyên tuyền cho gần 100 cán bộ các xã, hiệu trưởng các trường trên địa bàn để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết

Huyện Tây Giang cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp tăng cường việc dập dịch, hạn chế lây lan diện rộng, liên tục tuyên truyền về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết trên sóng đài huyện để người dân nắm.

Sở Y tế Quảng Nam cũng đã cử cán bộ cùng với cán bộ Trung tâm Y tế huyện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống. Trong đó, tăng cường phun thuốc diệt mỗi, bọ gậy; tuyên truyền vận động người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường nơi có ổ dịch; vận động người dân ngủ mùng, tránh bị mỗi đốt…

Vì hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nên theo lãnh đạo ngành y tế Quảng Nam, các biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng, chống muỗi đốt, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, ché); thau rửa dụng cụ chứa nước. Hàng tuần, nên thu gom, huỷ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, lon bia, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống tre, nứa... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi chưa dùng đến.

Ngoài ra, cần phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày (vì muỗi truyền bệnh chủ yếu đốt vào ban ngày) để tránh lây truyền dịch bệnh. Tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Bệnh có thể gây thành dịch lớn và có tỷ lệ tử vong cao. Sốt xuất huyết có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không đến bệnh viện hay Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh dẫn tới bệnh nặng.

Trong ngày 16/10, Trung tâm y tế Tây Giang đã tổ chức tập huấn cho gần 100 cán bộ, lãnh đạo các trường học ở các xã về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện. Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - Bác sĩ Nguyễn Văn Văn cũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện.

C.Bính