1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần Thơ

Chẩn đoán sai bệnh, bác sĩ bị đình chỉ hoạt động chuyên môn 6 tháng

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Uẩn, cha của một bệnh nhân 26 tuổi, vừa có đơn gửi tới báo chí phản ánh việc, con ông bị chết oan sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ.

Trong đơn gửi tới báo chí, ông Nguyễn Văn Uẩn cho biết, con trai ông là Nguyễn Văn Sinh (26 tuổi) nhập viện Quân y 121 Cần Thơ vào ngày 22/5 trong tình trạng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém nhưng vẫn tỉnh táo và được chẩn đoán “sốt không rõ nguyên nhân”.

Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ- nơi xảy ra cái chết của anh Sinh
Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ- nơi xảy ra cái chết của anh Sinh

Khi nhập viện, bệnh viện ghi nhận các triệu chứng: Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt, đau mỏi toàn thân, ăn uống kém…”. Bác sĩ chỉ định cho làm các xét nghiệm gồm, tổng phân tích tế bào bằng máy tự động, điện tâm đồ, I-on đồ, xét nghiệm nước tiểu 10 thông số. Hướng điều trị được chỉ định là truyền dịch, hạ sốt, trợ tim

“Trong suốt quá trình điều trị từ ngày 22-25/5, các bác sĩ đều nói con tôi sốt không rõ nguyên nhân, nghi nhiễm siêu vi, và đều nói bệnh ổn không cần phải chuyển đi đâu, ở đây điều trị sẽ khỏi. Tuy nhiên đến tối ngày 25/5, nó bệnh nặng và hôn mê thì các bác sĩ xét nghiệm máu nói “đường huyết tăng cao” và sau đó chết vào khuya cùng ngày”, ông Uẩn bức xúc nói.

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 29/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá, BSCKII Nguyễn Văn Chiếm , Phó Giám đốc bệnh viện Quân Y 121 Cần Thơ, cho biết: Bệnh nhân Nguyễn Văn Sinh, nhập viện lúc 14h ngày 22/5 trong tình trạng sốt, mỏi mệt,  ăn uống kém, tiền sử có đạp đinh trước đó một tháng, vết thương còn đau.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốt siêu vi và cho nhập viện vào khoa truyền nhiễm để theo dõi và điều trị. Sau đó bác sĩ cho truyền dịch, sinh tố và xét nghiệm uốn ván. Kết quả bệnh nhân không bị uốn ván, nên các bác sĩ nghiêng về điều trị sốt siêu vi.

Đến khoảng 16h ngày 25/5 bệnh nhân bị kích thích, vật vã và hôn mê thì được bác sĩ lấy mẫu máu xét nghiệm mới phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường và được chuyển sang khoa hồi sức tích cực. Đến 21h45, bệnh viện hội chẩn kết luận:bệnh nhân hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và đến 23h cùng ngày bệnh nhân bị tử vong.

Bác sĩ Chiếm cũng cho biết, Khoa Truyền nhiễm bệnh viện đã đề xuất hình thức kỷ luật đối với ê kíp 3 bác sĩ khoa này vì không chẩn đoán được sớm bệnh do nhiều nguyên nhân khách quan, làm lệch hướng điều trị khiến bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường chuyển biến nặng dẫn đến tử vong.

Ba bác sĩ bị đề xuất kỷ luật gồm, bác sĩ Lê Tuyết Thu, bị đề xuất hình thức kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ hoạt động chuyên môn 6 tháng; bác sĩ Phan Thạnh Phú, đề xuất hình thức kỷ luật khiển trách, kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Còn đối với bác sĩ Trưởng khoa truyền nhiễm liên đới trách nhiệm, không trực tiếp theo dõi diễn biến bệnh đang chờ Hội đồng kỷ luật bệnh viện xem xét đưa ra hình thức kỷ luật tương thích.

 “Tâm nguyện của bác sĩ lúc nào cũng muốn cứu bệnh nhân chứ không ai muốn bệnh nhân chết, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến chẩn đoán ban đầu sai và điều trị lệch hướng nên diễn tiến bệnh nặng …đây là một mất mát lớn đối với người nhà. Lãnh đạo và tập thể bệnh viện cảm thấy rất đau lòng. Chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình. Sau khi bệnh nhân mất, chúng tôi cũng muốn đến thăm viếng, xin lỗi gia đình bệnh nhân, nhưng gia đình đã đưa anh Sinh về quê Bắc Ninh an táng, vì điều kiệu kiện đi lại xa xôi nên chúng tôi dự định sau khi án táng cho bệnh xong, bệnh viện sẽ gặp gia đình để giải thích rõ nguyên nhân, nói lời chia buồn và xin lỗi về cái chết của anh Sinh”, Bác sĩ Chiếm nói.

Phạm Tâm