Chăm sóc, điều trị ung thư đang thay đổi để thích ứng Covid-19 như thế nào?

(Dân trí) - Các bác sĩ ung bướu hiện đang phải thay đổi cách làm việc để cùng lúc giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân và chính lực lượng y tế, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả chăm sóc và điều trị ung thư.

Bệnh viện/chuyên khoa ung bướu gặp khó khi thiếu nguồn nhân lực trầm trọng

“Đại dịch đồng nghĩa với một sự chuyển đổi lớn trong tất cả các khía cạnh của chăm sóc ung thư” – Bác sĩ James Spicer, Bệnh viện Guy's and St Thomas', Luân Đôn, Vương quốc Anh chia sẻ.

Chăm sóc, điều trị ung thư đang thay đổi để thích ứng Covid-19 như thế nào? - 1

Việc ngày càng có nhiều nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 đã làm giảm đáng kể lực lượng y tế hiện hữu. Một khảo sát được thực hiện bởi Đại học Hoàng gia, Vương quốc Anh, được thực hiện vào tháng 4/2020, đã chỉ ra rằng, khoảng 20% trong số 2513 nhân viên y tế được khảo sát hiện đang phải ở nhà, nguyên nhân chính đến từ yêu cầu tự cách ly vì từng tiếp xúc với ca bệnh.

“Đảm bảo các ca phẫu thuật và liệu pháp phóng xạ trong điều trị ung thư vẫn được thực hiện là điều khó nhất ở thời điểm hiện tại. Vì dịch Covid-19 mà cán cân rủi ro – lợi ích trong điều trị ung thư đã thay đổi đáng kể, bởi những bệnh nhân ung thư khi đến bệnh viện lại có thể mắc Covid-19, và chúng ta đều biết tình trạng viêm phổi do căn bệnh này gây ra có thể dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, còn có những khó khăn đến từ nguồn lực y tế, điển hình như bác sĩ gây mê và giường bệnh hiện đang thiếu hụt trầm trọng”" - BS James Spicer nói.

Tăng liều điều trị để giảm tần suất đến bệnh viện

Các bác sĩ ung bướu hiện đang phải thay đổi cách làm việc để cùng lúc giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân và chính lực lượng y tế, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả chăm sóc và điều trị ung thư. Phương án điều trị được thay đổi để giảm thời gian đến bệnh viện của bệnh nhân. Ví dụ, liều truyền 400 mg thuốc điều trị ung thư pembrolizumab 6 tuần/lần hiện được ưu tiên lựa chọn so với 200 mg pembrolizumab 3 tuần/lần.

Chăm sóc, điều trị ung thư đang thay đổi để thích ứng Covid-19 như thế nào? - 2

Đối với xạ trị, việc tăng liều để giảm số lần thực hiện cũng đang được cân nhắc trong trường hợp khả thi. BS Ben Slotman, Trung tâm Y tế Amsterdam UMC, Hà Lan chia sẻ: “Với các bệnh ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư vùng đầu cổ, chúng tôi thường trao đổi về các phương án xạ trị liều cao. Cách tiếp cận này có thể làm tăng độc lực với cơ thể, nên chúng tôi chỉ chấp nhận sử dụng với phương án đảm bảo sự an toàn”. Vị bác sĩ này cũng cho biết rằng, số lượng bệnh nhân trong khoa xạ trị của Amsterdam UMC hiện đang tương đối ổn định. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đến tầm soát ung thư hoặc phẫu thuật đã giảm đáng kể.

Tổ chức lại cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để thích ứng với Covid-19

Singapore là nước có nhiều kinh nghiệm từ dịch SARS (2002-2003) nên trong đại dịch Covid-19 này, Viện Ung thư Quốc gia Singapore đã nhanh chóng thực hiện theo phương án đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia, bằng cách chia lực lượng nhân viên y tế thành 2 nhóm và hạn chế tối đa sự tiếp xúc của 2 nhóm này.

Chăm sóc, điều trị ung thư đang thay đổi để thích ứng Covid-19 như thế nào? - 3

Một giải pháp khác để thích ứng với đại dịch Covid-19 là di chuyển các dịch vụ và lực lượng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ung thư ra xa những khu vực chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ở Vương quốc Anh, các cơ sở chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ung thư đã được tập trung lại thành các trung tâm lớn, nhờ vậy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao trước virus SARS-CoV-2 này không cần phải đến các bệnh viện có bệnh nhân Covid-19. Phương án này hiện cũng đang được áp dụng tại úc. “Chúng tôi đang gấp rút triển khai một trung tâm điều trị ung bướu. Nó sẽ an toàn hơn cho cả bệnh nhân ung thư lẫn lực lượng y tế như chúng tôi” – BS Eva Segelov, Bệnh viện Monash Health (Úc), chia sẻ.

Đẩy mạnh giao tiếp từ xa giữa bác sĩ và bệnh nhân

Đối với các bệnh nhân điều trị ngoại trú, xu hướng của nhiều bệnh viện ung bướu hiện nay là chuyển đổi các buổi gặp mặt trực tiếp của bệnh nhân với bác sĩ sang hình thức online hoặc trao đổi bằng điện thoại. Mặc dù đây là phương án giúp giảm thiểu tối đa rủi ro cho cả 2 bên, nhưng sự thay đổi lớn trong cách tương tác giữa y, bác sĩ và bệnh nhân cũng khiến họ gặp không ít khó khăn.

Chăm sóc, điều trị ung thư đang thay đổi để thích ứng Covid-19 như thế nào? - 4

“Các bác sĩ quen thuộc với việc khám chữa bệnh trực tiếp tại bệnh viện. Tuy nhiên, do bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng tôi đang tập làm quen với việc gọi video call cho bệnh nhân, theo dõi tình hình sức khỏe và tư vấn cho họ thông qua màn hình điện thoại” - BS Eva Segelov chia sẻ - “Với giải pháp này, ngay cả các nhân viên y tế đang cách ly tại nhà cũng có thể tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân”.

Minh Nhật

 Theo The Lancet, NYP