Chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối như thế nào?
(Dân trí) - Bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan nên có chế độ dinh dưỡng giàu protein, với khoảng 1,2g protein/kg trọng lượng cơ thể.
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bên cạnh công tác điều trị (Phẫu thuật, hóa chất, nút mạch…) thì vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng góp một phần rất quan trọng trong cuộc chiến với bệnh tật của người mắc ung thư gan giai đoạn cuối.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối cần lưu ý bổ sung các thực phẩm sau:
Thực phẩm giàu protein
- Bệnh nhân bị xơ gan và ung thư gan nên có chế độ dinh dưỡng giàu protein, với khoảng 1,2g protein/kg trọng lượng cơ thể. Tốt nhất nên sử dụng lượng protein này từ nguồn gốc thực vật để hạn chế hấp thu chất béo và cholesterol từ động vật.
- Một số loại thực vật chứa protein cao gồm có: súp lơ xanh, ngô ngọt, khoai tây, đậu lăng, măng tây, đậu hà lan, củ cải trắng, đậu bắp… và đặc biệt là các loại nấm.
Thực phẩm giàu axit amin
- Axit amin rất có lợi cho bệnh nhân ung thư gan vì giúp khôi phục khối lượng nạc của cơ thể, cải tạo trao đổi chất, kích thích quá trình tái tạo gan.
- Các loại thực phẩm giàu axit amin như: ngũ cốc, các loại đậu, các loại hạt, các loại tảo biển, sữa, trứng, cá…
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
- Cơ thể bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối thường thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất như: vitamin A, B, C và E.
- Các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin A, B, C và E cao như: các loại rau ăn lá, các loại củ: cà rốt, khoai tây, trái cây và các loại hạt.
Thực phẩm chứa magie và trytophan
- Magie và trytophan là các nguyên tố vi lượng giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, sợ hãi và trầm cảm, qua đó hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị ung thư gan giai đoạn cuối.
- Một số thực phẩm giàu magie là: hoa quả khô, lúa mì, vừng, hẹ, rong biển…
- Một số thực phẩm giàu tryptophan gồm có: thịt gà, sữa, thịt bò, chuối tiêu...
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối nên kiêng một số thực phẩm như:
- Bệnh nhân ung thư gan nói chung và ung thư gan giai đoạn cuối nói riêng không nên ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ động vật. Nếu cần sử dụng trong nấu nướng nên thay thế bằng dầu thực vật.
- Cần hạn chế những loại thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol cao như: nội tạng động vật, lòng trắng trứng.
- Kiêng thực phẩm giàu chất béo như: khoai tây chiên, thức ăn nhanh vì chúng tạo thêm gánh nặng cho gan trong quá trình tiêu hóa thức ăn.
- Không ăn thực phẩm có hàm lượng muối cao vì sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng của ung thư gan và gây tích tụ dịch trong gan của bệnh nhân.
- Tuyệt đối không tiêu thụ thức uống có cồn vì chúng khiến gan phải làm việc rất căng thẳng.
Chế độ vận động và sinh hoạt
- Vận động nhẹ nhàng.
- Luyện tập thể dục vừa sức để tăng cường sức khỏe.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
- Vệ sinh chân sonde dạ dày và chân canuyn hằng ngày ( nếu có).
- Tái khám khi có dấu hiệu sốt cao, đau nhiều, khó thở, nôn nhiều… hay bất cứ dấu hiệu sức khỏe bất thường khác.