Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị ung thư thực quản
(Dân trí) - Ung thư thực quản là loại ung thư khá phổ biến, đứng hàng thứ 7 trong 10 loại ung thư phổi biến và đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư đường tiêu hóa sau ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Bệnh có tiên lượng bệnh xấu và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh không rõ nguyên nhân nhưng các yếu tố nguy cơ chính của ung thư thực quản là hút thuốc, uống rượu và bệnh Barrett thực quản.
Các phương pháp điều trị chủ yếu bệnh lý này gồm: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó, xạ trị là phương pháp điều trị quan trong có thể được chỉ định ở mọi giai đoạn của bệnh.
Xạ trị triệt căn kết hợp hóa trị trong ung thư thực quản 1/3 trên giai đoạn sớm và tiến triển tại chỗ, tại vùng (u xâm lấn khỏi thành thực quản và/hoặc có di căn hạch). Hóa xạ trị tiền phẫu trong ung thư thực quản 1/3 giữa - dưới làm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật.
Xạ trị giảm nhẹ trong các trường hợp ung thư thực quản giai đoạn muộn giúp làm giảm tình trạng nuốt nghẹn cho người bệnh. Do tia xạ không chỉ điều trị khối u mà còn chiếu vào các tế bào lành xung quanh nên gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân.
Để quá trình xạ trị được liên tục và đạt kết quả tốt thì việc theo dõi, xử trí và chăm sóc các tác dụng phụ cho bệnh nhân cần phải được chú trọng.
Chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị là một bước rất quan trọng ảnh hưởng tới kết quả điều trị cũng như quá trình hồi phục sức khỏe. Bệnh nhân được hẹn tái khám sau xạ trị 1 tháng và mỗi 3 tháng sau đó để đánh giá kết quả điều trị và xử trí các tác dụng phụ. Bệnh nhân cần được hướng dẫn tiếp tục chăm sóc da vùng xạ, đảm bảo sạch sẽ, tránh cọ sát dễ gây viêm loét sau xạ.
Vấn đề dinh dưỡng cũng cần được chú trong đặc biệt trong thời gian hồi phục. Bệnh nhân thường bị thay đổi khẩu vị, đắng miệng, đau rát khi nuốt dẫn tới biếng ăn, lâu dẫn sẽ bị giảm cân, suy dinh dưỡng.
Vì vậy, để giảm các triệu chứng khó chịu trên, bệnh nhân nên súc miệng trước khi ăn, ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày, tăng cường ăn những món khoái khẩu. Nên ăn giàu năng lượng, nhiều đạm, uống nhiều nước, đặc biệt là những thức uống có chứa dưỡng chất, sữa, nước ép hoa quả, đa dạng hóa thức ăn, tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn.
Lời khuyên để phòng tránh căn bệnh này mà bạn cần lưu ý
- Không hút thuốc lá: đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Chính vì thế việc để phòng ung thư thực quản chúng ta cần tránh hút thuốc lá.
- Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.
- Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…. Bên cạnh đó, cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
- Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học.
- Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày-thực quản trong đó có ung thư. Vì thế ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.