1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cha mẹ phát hoảng vì con tăng độ cận "phi mã" sau nghỉ dịch

Nam Phương

(Dân trí) - Trước khi trẻ quay trở lại trường học trực tiếp, chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đưa con đi khám mắt. Chị giật mình vì độ cận của con tăng gấp đôi, lên 6 đi-ốp chỉ sau một năm trong khi con mới học lớp 4.

Chị Thanh cho biết con trai chị phát hiện bị cận thị từ năm lớp 1. Sợ con tăng độ cận nhanh nên chị con uống đủ loại thuốc, suốt ngày quát tháo không cho con xem tivi, điện thoại nhiều… Tuy nhiên, sau gần một năm học online liên tục, chị thấy mắt con có hiện tượng kém hơn nên cho đi khám. 

"Tôi giật mình khi bác sĩ bảo cháu bị cận 6 đi-ốp, tăng gấp đôi chỉ sau một năm. Trước đó, bình thường một năm cháu chỉ tăng khoảng 1 độ", chị Thanh nói. 

ThS.BS Đinh Phương Thủy, chuyên về nhãn khoa cho biết những trường hợp trẻ bị tăng độ cận nhiều sau một năm học online như trên không phải hiếm gặp. Có những cháu trước chỉ cận ở mức độ nhẹ hoặc trung bình 3-4 đi-ốp, sau thời gian nghỉ dịch độ cân tăng gấp đôi lên 6-7 đi-ốp. Có trẻ 5-6 tuổi đã cận hơn 5 độ. 

Cha mẹ phát hoảng vì con tăng độ cận phi mã sau nghỉ dịch - 1

Nhiều trẻ bị tăng độ cận sau thời gian nghỉ dịch dài, học online cộng thêm việc xem tivi.

Bên cạnh đó cũng có nhiều trẻ phát sinh cận thị. Nhiều phụ huynh đưa con đến khám vì không hiểu sao con cứ nháy mắt liên tục, trợn cả mắt, nhìn bình thường cũng nháy, hay nghiêng đầu… Lý do vì trẻ bị cận thị, mỏi mắt nhiều nên hay nháy mắt. 

Theo BS Thủy, nguyên nhân khiến trẻ tăng độ cận nhiều là do thời gian qua trẻ phải học online liên tục trên máy tính, điện thoại... Trẻ gần như bị "nhốt" suốt trong nhà, cộng thêm tác động của môi trường khi ánh sáng không đủ, đặc biệt là tác động của ánh sáng xanh từ màn hình led của máy tính, điện thoại, tivi… Vì thế, số lượng trẻ mắc tật khúc xạ tăng lên, độ cận của trẻ tăng lên nhanh.

BS Trần Ngọc Hưng, Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện cũng cho biết thời gian qua khi trẻ bắt đầu đi học trực tiếp lại, cha mẹ hay đưa con đi khám. Do ảnh hưởng của đợt nghỉ dịch dài, học online nhiều khiến nhiều trẻ bị suy giảm thị lực, nặng thì gặp tật khúc xạ, nhẹ chỉ là rối loạn điều tiết. 

Nguyên nhân quan trọng là do tình trạng nhìn gần của mắt trẻ diễn ra trong một thời gian dài. Suốt thời gian dịch vừa qua, trẻ không đi học trực tiếp, hạn chế ra ngoài chơi, hạn chế hoạt động ngoài trời, thường xuyên ở trong nhà trong 4 bức tường chật hẹp, cộng thêm việc dùng máy tính, điện thoại quá nhiều khiến mắt bị ảnh hưởng. 

"Không ít trường hợp mắt trẻ trước đó đang bình thường hoặc nhẹ, chỉ bị mỏi mắt do rối loạn, suy giảm điều tiết, thì nay chuyển thành tật khúc xạ, thường là cận thị. Đây là các trường hợp cận thị mắc phải liên quan đến sinh hoạt", BS Hưng nói. 

Theo bác sĩ, với trẻ đã bị cận thị, việc điều trị là đeo kính, thời gian đeo kính khác nhau tùy thuộc vào độ cận của trẻ. Nếu cận dưới 2 độ, trẻ không cần thiết phải đeo kính cả ngày, chỉ đeo khi cần nhìn xa chẳng hạn như ngồi học trên lớp, xem tivi…

Khoảng cách 1,5-2m được gọi là nhìn xa. Điều này giúp hạn chế tình trạng phụ thuộc vào kính của trẻ. 

Với trẻ cận từ 3 độ trở lên thì cần phải đeo kính thường xuyên vì thị lực rất kém. Về bản chất việc đeo kính không làm tăng độ cận của trẻ. Đeo kính không chuẩn dẫn đến nhiều vấn đề như quá độ gây mỏi vì mắt điều tiết nhiều, thiếu độ khiến thị lực trẻ không đạt được mức độ tối ưu, không đáp ứng trong sinh hoạt. 

Để hạn chế tăng độ cận, đơn giản nhất là điều chỉnh sinh hoạt, hạn chế các sinh hoạt nhìn gần như điện thoại, máy tính, tivi… Nếu vẫn phải học trên máy tính, trẻ cần có khoảng nghỉ xen kẽ. Để dễ nhớ, cha mẹ có thể nhắc con tuân theo quy tắc 20-20-20. Nghĩa là sau khi nhìn gần trong 20 phút, trẻ nên nhìn ra xa 20 feet khoảng 6m trong vòng 20 giây. Đơn giản nhất là sau khoảng 30-45 phút học, trẻ nên cho mắt nghỉ ngơi, nhìn ra xa 3-5 phút. Điều này giúp nhãn cầu không phải điều tiết quá liên tục, BS Hưng cho biết. 

Bên cạnh đó có thể tra thuốc nhỏ mắt, đeo kính áp tròng cứng vào ban đêm… 

Bác sĩ khuyến cáo, trẻ cấp 1-2 nguy cơ phát triển độ cận nhiều nhất nên cha mẹ cần chú ý. Khi trẻ có xu hướng tiến sát gần mọi thứ để nhìn cho rõ, có thể quan sát khi con xem tivi, trong quá trình xem có hay dụi mắt, nháy mắt, chớp mắt nhiều…, nên đưa con đi khám hoặc định kỳ khám mắt 3-6 tháng một lần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm