Cậu bé 2 tuổi bị lõm hộp sọ vì tai nạn nguy hiểm thường gặp
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn ói, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị lõm hộp sọ vùng chẩm trái. Tai nạn nguy hiểm từ cú té xe đạp khiến cậu bé phải phẫu thuật để nâng bản lõm sọ.
Sáng 14/1, thông tin từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và cấp cứu cho một trường hợp bị tai nạn rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé trai N.N.G.B. (2 tuổi) được gia đình chuyển đến trong tình trạng nôn ói, đau đầu.
Tại khoa Ngoại Thần kinh các bác sĩ đã thăm khám, khai thác bệnh sử từ người nhà và ghi nhận, trước khi nhập viện, mẹ của bệnh nhi đang sửa soạn đồ chuẩn bị đưa hai anh em đi sở thú chơi. Tranh thủ lúc mẹ dọn đồ anh trai của bé B. lấy xe đạp chở em chạy quanh nhà thì không may bị ngã.
Cú ngã xe khiến hai anh em bị hất văng xa, người anh không bị thương, nhưng cậu em té cắm đầu xuống đất, vùng đầu đến cổ trầy xước, sưng phù nề và chảy máu. Những cơn đau ngày càng nặng thêm kèm theo các bất thường của tình trạng chóng mặt, nôn ói nên gia đình lập tức chuyển vào bệnh viện cấp cứu.
Trên kết quả chụp CT-Scan bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị lõm sọ kín vùng chẩm trái. Một mảnh xương nhỏ lõm vào não gây chèn ép. Sau khi hội chẩn nhanh các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn cấp để nâng bản sọ lõm.
Bác sĩ Trương Long Vỹ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, phẫu thuật viên chính cho biết: "Do xương bé nhỏ, mềm nên chúng tôi phải dùng dụng cụ chuyên biệt để nâng xương vùng sọ bị lõm lên. Sau 1 giờ khẩn trương trong phòng mổ vùng sọ lõm của bệnh nhi đã được nâng thành công, trở lại vị trí ban đầu. Sau phẫu thuật, ngày 14/1 sức khỏe bé ổn định, tỉnh táo, bú giỏi và chơi đùa linh hoạt, không còn đau đầu và nôn ói".
Theo phân tích chuyên môn của bác sĩ, trẻ nhỏ với cấu trúc xương mềm nên rất dễ bị gãy tay chân hoặc chấn thương sọ não nghiêm trọng dù những cú va chạm tưởng như rất nhẹ. Vùng sọ não của trẻ là nơi nguy hiểm thường hứng chịu nhiều tổn thương, tùy theo vị trí va chạm, vận tốc của tác nhân gây chấn thương, độ tuổi của trẻ… có thể dẫn đến biến dạng hộp sọ, lõm sọ hoặc đường nứt sọ. Trường hợp chấn thương nặng, không được phát hiện kịp thời trẻ sẽ đối mặt với di chứng động kinh, co giật, hoặc yếu, liệt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh những tai nạn tương tự có thể xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải hết sức cẩn thận trong việc trông chừng trẻ nhỏ, luôn luôn để mắt đến trẻ, không để trẻ chơi một mình, đặc biệt là những bé vừa mới biết trườn bò. Trong trường hợp trẻ bị té ngã, chấn thương vùng đầu, phụ huynh cần để ý đến các dấu hiệu như đau đầu, nôn ói, mắt mờ, ngủ nhiều… để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, can thiệp kịp thời, hạn chế những nguy hiểm đe dọa tính mạng.