Cấp cứu người đàn ông tại TPHCM ngưng tim 2 lần vì điện giật ở công trường
(Dân trí) - Sau khi bị điện giật nặng, người đàn ông có 2 lần ngưng tim tại 2 bệnh viện, phải thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, hồi sức tích cực suốt nhiều ngày.
Đó là trường hợp của anh N.V.N. (34 tuổi). Trước đó khoảng 13h30 chiều 19/5, anh N. bị điện giật, ngất trong quá trình làm việc tại công trường. Người bệnh được nhập viện tại cơ sở y tế trên địa bàn quận Phú Nhuận trong tình trạng ngưng tim, tím tái.
Tại đây anh N. được xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện 3 lần, chích 6 ống adrenalin (một loại thuốc được dùng nhiều trong hồi sức và cấp cứu). Sau khi tim đập lại, bệnh nhân lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại khoa Cấp cứu, người bệnh lại rơi vào tình trạng nguy kịch, ngưng tim lần 2, chỉ trong chưa đầy một tiếng từ khi bị nạn. Màn hình monitor ghi nhận bệnh nhân có rung thất - một rối loạn nhịp có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Lúc này, các bác sĩ khẩn trương sốc điện khử rung thất 2 lần và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đến khi bệnh nhân có nhịp tim đập lại.
15h25, người đàn ông được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU). Tại đây, bệnh nhân được thở máy và đặc biệt là được chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy ngay lập tức, giảm thân nhiệt xuống 33 độ C. 17h15 phút cùng ngày, anh N. đã được kiểm soát thân nhiệt mục tiêu. Sau 24 tiếng duy trì nhiệt độ trên, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân được nâng dần 0,25 độ C mỗi giờ cho đến khi đạt 37 độ C.
TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, các bệnh nhân ngưng tim sau khi được hồi sức, hồi phục tuần hoàn có thể bị di chứng về thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề tới sự tái hòa nhập của người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Kiểm soát thân nhiệt mục tiêu hay hạ thân nhiệt chỉ huy xuống 33 độ C ở người bệnh hôn mê sau ngừng tim giúp bảo vệ não, giảm thiểu các di chứng về thần kinh của người bệnh về sau.
Sau vài ngày hồi sức tích cực, các bác sĩ đã ngưng máy hạ thân nhiệt khi anh N. tỉnh táo, dừng thở máy, rút ống nội khí quản. Hiện tại, bệnh nhân đã tiếp xúc tốt và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.
TS.BS Ân khuyến cáo, khi phát hiện người bị điện giật, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Sau đó gọi sự trợ giúp từ người xung quanh và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu không có cầu dao điện, tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ tay vào nạn nhân khi chưa ngắt điện.