Cấp cứu đột quỵ trong “6 giờ vàng” bằng thuốc tiêm qua đường động mạch

(Dân trí) - Song song với phương pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch trong “3 giờ vàng”, phương pháp tiêm thuốc qua đường động mạch cũng giúp giảm đáng kể tỷ lệ tàn phế sau đột quỵ, với “thời gian vàng” được nâng lên 6 giờ.

Trời trở lạnh vào dịp cuối năm chính là thời điểm “đến hẹn lại lên” của các ca bệnh đột quỵ. Tại các bệnh viện và chuyên khoa tim mạch, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do đột quỵ gia tăng đột biến. Riêng tại khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 (TPHCM), hiện tại đang có 170 bệnh nhân điều trị đột quỵ, có ngày khoa phải cấp cứu 30 bệnh nhân.

TS-BS Nguyễn Huy Thắng, trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 cho biết, đối với bệnh lý đột quỵ vì tắc nghẽn mạch máu não do hình thành cục máu đông (nhồi máu não) thì việc điều trị thường áp dụng bằng phương pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch trong 3 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại hoặc do thiếu hiểu biết, số bệnh nhân sớm trong 3 giờ đầu không nhiều. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao, cũng như di chứng để lại nặng nề.
 
Còn tại BV Nhân dân 115 (và BV Bạch Mai, Hà Nội), việc điều trị bệnh lý dạng này bằng cách tiêm thuốc tiêu sợi huyết qua đường động mạch đang được áp dụng có hiệu quả đáng kể, và “thời gian vàng” để bệnh nhân nhập viện được kéo dài đến 6 giờ.
 
TS-BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ về phương pháp can thiệp nội mạch để cấp cứu đột quỵ
TS-BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ về phương pháp can thiệp nội mạch để cấp cứu đột quỵ
 
Bệnh nhân nhồi máu não sau khi được bác sĩ phát hiện ở mạch máu não có cục máu đông khiến mạch máu não bị tắc, nếu tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào đường tĩnh mạch nhưng máu vẫn không lưu thông, sẽ được sử dụng kỹ thuật tiêm thuốc đường động mạch để “đánh tan” cục máu, giúp mạch máu não lưu thông trở lại hoàn toàn.

Êkíp điều trị sẽ mở động mạch đùi và đưa một dây dẫn siêu nhỏ theo mạch máu lên tận vị trí cục máu đông và tiến hành bơm thuốc tiêu sợi huyết. 24 giờ sau sẽ có kết quả điều trị. Nếu động mạch được thông, máu bơm lên não tốt, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh và được xuất viện vài ngày sau đó.

Theo BS Thắng, với phương pháp truyền bằng đường tĩnh mạch, bệnh nhân phải nhập viện trước 3 giờ và dùng nhiều thuốc hơn. Trong khi đó, bằng đường động mạch, “thời gian vàng” kéo dài gấp đôi, và lượng thuốc chỉ bằng 1/3 so với truyền tĩnh mạch.
 
Ngoài ra, từ năm 2012, BV Nhân dân 115 còn áp dụng kỹ thuật lấy huyết khối để tái thông mạch máu não bằng dụng cụ solitair.
 
Đầu tiên, một đường ống siêu nhỏ được luồn tới cục huyết khối, sau đó dụng cụ solitair (giống như cái stent) mở ra, cục huyết khối sẽ bị giãn ra bao xung quanh stent, tạo khoảng thông thoáng chính giữa giúp khơi lại dòng chảy trong động mạch, đồng thời dụng cụ này sẽ kéo dính cục huyết khối ra khỏi đó. Trong quá trình này, có thể kết hợp với việc bơm thuốc tiêu sợi huyết liều lượng thấp để dòng chảy được khơi thông hoàn toàn.
 
 
TS-BS Nguyễn Huy Thắng chia sẻ về phương pháp can thiệp nội mạch để cấp cứu đột quỵ

Solitair là một hệ thống lưới được đưa vào động mạch não bị thuyên tắc qua động mạch đùi để lấy đi cục huyết khối với khoảng thời gian ngắn (Ảnh minh họa: internet)
 
Ưu điểm của kỹ thuật này là giúp khơi thông mạch máu bị tắc rất nhanh, vì cục huyết khối được kéo ra ngay lập tức. Kỹ thuật này giúp tránh được biến chứng của thuốc tiêu sợi huyết sử dụng đường toàn thân với lượng lớn (tiêm qua tĩnh mạch, động mạch). Ngoài ra, còn tránh được biến chứng chảy máu nội sọ do việc dùng thuốc tiêu sợi huyết liều lượng lớn. Theo bác sĩ Huy Thắng, kỹ thuật mới này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận từ tháng 3/2012.
 
Bác sĩ Thắng khuyến cáo: muốn phòng chống đột quỵ, người già và những người có nguy cơ cao (huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường…) cần chú ý kiểm soát huyết áp của mình, ngưng hút thuốc lá, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Mùa lạnh khi ra ngoài phải mặc ấm, không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và không tập thể dục vào sáng sớm.
 
Khi đột quỵ xảy ra, nên nhớ rằng “thời gian là não”. Sau đột quỵ, cứ mỗi phút sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, vì vậy, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt.
 

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ:

1. Khuôn mặt có bị mất cân đối không? - Hãy bảo người đó cười và quan sát.

2. Có bên tay nào bị yếu liệt? - Bảo người đó giơ 2 tay lên.

3. Giọng nói có bị thay đổi không? - Bảo người đó nói những từ đơn giản.

Nếu bạn thấy ai đó vừa có những dấu hiệu trên, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115.
 
Hồng Nhung