Cao hổ… cốt tạp nham

Người mua lầm chứ người bán không lầm. Khi bán, họ lấy một miếng cao hổ đã nấu sẵn đưa lại gần cho con chó ngửi, nếu chó cong đuôi chạy họ nói đó là cao thật vì chó ngửi thấy mùi tanh hôi của chúa sơn lâm nên sợ.

Nhiều người đã lầm khi mua phải loại cao này vì có khi chỉ có rất ít xương hổ hoặc có khi họ cho vào đó một chất có mùi tanh giống như mùi của xương hổ để đánh lừa người mua.

 

Theo đông y, xương hổ được coi là dược liệu hạng nhất trong các loại xương dùng làm thuốc. Hổ cốt (os tigris) là toàn bộ xương của con hổ, bao gồm xương đầu, xương sống và xương chân. Tuy nhiên xương ống chân (hổ hĩnh) mới là phần quí nhất. Giải thích tại sao xương ống chân (nhất là chân trước) lại quí như vậy, các nhà dược học xưa cho rằng con hổ khi chết vẫn đứng chứ không khụy chân xuống, và quí là ở chỗ này…

 

Một con hổ trung bình có 10-12kg xương, nếu trừ xương đầu ra, một bộ xương hổ phải nặng trên 7kg mới được coi là tốt. Để nấu được một nồi cao (100kg xương) phải có ít nhất 20-30kg xương hổ (tương đương ba con hổ trở lên), đây là điều khó có thể thực hiện.

Người ta có thể dùng xương hổ để ngâm rượu hoặc nấu thành cao (loại này phổ biến hơn), sau đó dùng cao ngâm rượu để dùng.

 

Pha tạp là chính

 

Việc nấu thành cao hổ cốt (hổ cốt giao) là công việc rất khó nhọc, đòi hỏi phải có tay nghề, nếu không sẽ hư cả nồi thuốc.

 

Khó khăn nhất vẫn là dược liệu, ở đây là xương của con hổ, tuy nhiên khó có thể tìm đủ lượng xương hổ để nấu thành cao nguyên chất, vì vậy đa số đều pha trộn với một số xương động vật khác. Có nơi còn cho thêm một số vị thuốc thảo mộc khác như địa liền, thiên niên kiện… (để làm tan mùi hôi của xương). Gọi là cao xương hổ nhưng nhiều khi xương hổ chỉ có 1/6 trong nồi cao, 5/6 là xương các loại tạp nham.

 

Ngoài ra, còn phải tính đến thời gian để hoàn thành một nồi cao. Nguyên việc chế biến để khử mùi hôi của xương cũng đã có thể đến 15-20 ngày. Khi nấu lại phải trông chừng lửa liên tục ba ngày ba đêm mới xong một mẻ cao… Cứ 100kg xương nấu được 30kg cao. Vì xương hổ hiếm, việc chế biến cầu kỳ, mất nhiều thời gian nên giá thành của một miếng cao (khoảng 30g) rất đắt. Và cũng vì đắt nên việc kiếm được cao hổ cốt thứ thiệt không dễ.

 

Thường người ta dùng cao hổ cốt 40-60g, ngâm với một lít rượu. Trước khi ăn cơm, hâm nóng rượu lên để uống.

 

Vấn đề là ở chỗ ngâm rượu. Tôi đã chứng kiến có bệnh nhân uống cao hổ cốt bị phản ứng vì rượu ngâm đến nỗi toàn thân lở loét…

 

Thổi phồng tác dụng

 

Theo đông y, tác dụng chính của cao hổ cốt vẫn là làm mạnh gân xương, trị tê bại, giảm đau nhức các khớp (nếu do hàn - không phải do nhiệt gây nên). Gần đây, có một số người đang thổi phồng tác dụng chữa bá bệnh của cao hổ cốt để bán cao, mọi người cần lưu ý kẻo tiền mất tật mang.

 

Sách Trung dược địa từ điển cũng chỉ nêu có chín loại chứng bệnh thích hợp dùng cao hổ cốt để trị, chứ không phải là loại trị bá bệnh như nhiều người đã đồn thổi. Các sách đông y cũng lưu ý: những người phần huyết bị hư (hay bị chóng mặt, thiếu máu…), hỏa thịnh (trong người luôn cảm thấy nóng, khát nước…) thì không được dùng.

 

Hổ là loại động vật quí hiếm, được đưa vào "sách đỏ” nên việc kiếm được hổ để nấu đúng thành cao là điều rất khó và cũng không được phép làm. Đa số là loại cao chế biến pha tạp với các loại xương khác nên tác dụng trị bệnh của cao hổ cốt vì vậy cũng bị "méo mó” khó lường.

 

Nếu chỉ nhắm vào việc làm mạnh gân xương (trị bại liệt), đau nhức khớp xương… thì có rất nhiều bài thuốc đông y có tác dụng điều trị không thua cao hổ cốt mà giá thành rẻ hơn nhiều, lại an tâm hơn khi dùng.     

 

Theo Hoàng Duy Tân

Tuổi trẻ