Cánh chim vượt bão
(Dân trí) - "Tôi thấy cô sống một giai đoạn thật rực rỡ. Cô truyền cảm hứng cho những người đang điều trị xung quanh, bạn bè, người thân", Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong viết về cô Nhuần - vượt nỗi sợ hãi trước ung thư, sống và tiếp tục nuôi con.
Ở quán cà phê trên đường Trần Kế Xương (Đà Nẵng), mỗi buổi sớm đều là một buổi nắng đẹp. Dường như là vậy, tôi ngồi đây từ những năm tuổi hai mươi, tức là gần 15 năm trước, thuở thích đọc báo giấy và hít hà mùi cà phê bay là là trong không khí. Và, từ đó, tôi trở thành khách quen của quán khi nào không hay.
Cô Nhuần, chủ quán rất nhã nhặn và điềm đạm. Thi thoảng, vào những lúc rỗi rãi, cô ngồi xuống trên chiếc ghế trống cạnh bàn tôi để hàn huyên về cuộc sống. Cô kể về quãng đời còn làm cho một ngân hàng, rồi chuyển ra riêng bán cà phê tại địa chỉ này, và đoạn đời, một tay cô nuôi con thơ nên người.
Ở quán cà phê đó, tôi đã gặp Tuấn "Khỉ Già", người sau này sáng tác ca khúc "Chiều nay không có mưa bay" nổi tiếng. Hai anh em thường ngồi trầm ngâm các tình khúc những năm 60-70. Có thể nói, đây là những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ chúng tôi.
Rồi một hôm, tôi nhớ đó là một buổi chiều năm 2014. Một buổi chiều "không có mưa bay". Cô Nhuần mặt tím tái nhận hung tin mình mắc ung thư phổi. Con gái cô, lúc bấy giờ vẫn còn là một học sinh cuối cấp ba. Nhìn cô, tôi hiểu tâm trạng nặng nề cô phải đối diện lúc này.
Là một khách quen, tôi bỗng thấy lòng chùng xuống. Thời gian sau, cô nhường lại quán cho hai chị em ruột buôn bán. Cô quyết định đi chữa trị, để được sống tiếp với con.
Năm 2015, tôi hiếm khi thấy cô ở quán, mà chỉ hỏi thăm tình hình qua con gái cô. Trong nước mắt, em kể cho tôi nghe việc cô phải xạ trị đến 8 lần trong giai đoạn đầu. Em kể về người mẹ phải chiến đấu kiên cường với ung thư thế nào. Tóc cô rụng dần, người cô gầy rộc đi, da cô tím tái,...
Giai đoạn đó, có mấy lần ghé quán, tôi gọi một ly cà phê sữa đá, mà uống thấy đắng chát. Tôi coi cô như cô ruột, coi cái quán như căn nhà thứ hai,... và thấy rõ sự hữu hạn của bản thân mình.
Rồi cô Nhuần đột nhiên xuất hiện trở lại. Đâu đó vào giữa năm 2016, cô mỉm cười ngồi bên tôi, mái tóc đã thưa nhưng đôi mắt sáng lấp lánh như một nụ cười. Cô bắt đầu kể về sự sợ hãi mỗi khi phải vào phòng xạ trị, chứng ngại ăn thịt đỏ, những trải nghiệm cận tử,... Cô quả quyết, chỉ có một thứ duy nhất níu kéo cô lại: đó là cô con gái duy nhất.
Cô hình dung đến nhân vật trong truyện "Anh phải sống" của Khái Hưng, truyện ngắn mà cô từng đọc thuở nhỏ, nói về người vợ hy sinh để chồng được sống, tiếp tục nuôi con. Tương tự như vậy, tình yêu thương dành cho con đã giúp cô vượt qua ngọn núi tưởng như quá lớn.
Sau đợt xạ trị thứ hai, bác sĩ cảm thấy cô không đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị theo cách này nữa. Ông khuyên cô chuyển sang cách uống thuốc và tiếp tục "sống chung" với ung thư. Năm 2017-2018, cô đi du lịch nhiều nơi: Đà Lạt, Sài Gòn,... Cô tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc và lịch khám. Không ai có thể ngờ, cô Nhuần lại có thể vượt qua đối thủ to lớn ấy. Tóc cô lại đầy như xưa, khuôn mặt đã hồng hào và nụ cười thường thực.
Ở những năm đó, tôi thấy cô sống một giai đoạn thật rực rỡ. Cô truyền cảm hứng cho những người đang điều trị xung quanh, cho bạn bè, người thân và cả khách uống cà phê. Giống như cánh chim vừa vượt qua giông bão, cô bay lượn trên vùng trời tâm tưởng, mong muốn được truyền đi thông điệp nghị lực sống, cách vượt qua nỗi sợ ung thư,… cho những người xung quanh. Có lẽ, đó là niềm vui lớn lao nhất của một người vừa chiến thắng tử thần.
Niềm vui đến với cô trong những năm phải vật lộn với căn bạo bệnh cũng phần nào tiếp sức cho cô. Như Phú, cô con gái nhỏ, đã trở thành một tiếp viên hàng không, được bay khắp mọi miền để đem về cho mẹ những chuyện kể kỳ thú.
Tôi nhớ, có lần tôi "đánh" một đĩa CD của Iron Maiden dành tặng cho quán. Tôi muốn ngầm động viên cô bằng hình ảnh của Bruce Dickinson, ca sĩ chính của nhóm. Người đã đánh bại ung thư vòm họng vào năm 2014.
Những năm gần đây, thi thoảng, tôi ghé cà phê 24 để uống vội một ly nâu nóng. Công việc bận rộn không cho tôi nhiều thời gian để "ngồi đồng" hàng giờ như trước. Đôi khi, tôi thấy cô Nhuần ở tuổi 70 đằng sau quầy pha chế.
Sau giai đoạn sống để truyền năng lượng tích cực cho mọi người, cô thực sự lui về "hậu cung" để an dưỡng tuổi già, hiếm khi tiếp bất kỳ ai. Dù rằng, giữa chúng tôi không còn những chuyện kể, những buổi hàn huyên như năm xưa, nhưng tôi tin, khi được ngồi vào trong cái quán ấm cúng này, ngẫm nghĩ về những chuyện đã qua và được thấy nhau thôi cũng đã là một niềm hạnh phúc.
Ở cô, tôi thấy ánh lên phép màu của cuộc sống.
Tác phẩm: Cánh chim vượt bão
Tác giả: Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong
Địa chỉ: 170 Tống Phước Phổ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng