Cảnh báo trẻ em rơi từ lầu cao hôn mê, chấn thương nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Có trường hợp trẻ rơi lầu được hàng xóm phát hiện nằm dưới đất lúc nửa đêm, hôn mê sâu.

Ngày 31/10, nguồn tin của phóng viên cho biết, thời gian gần đây Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đã tiếp nhận cấp cứu một số trẻ chấn thương nặng sau tai nạn té lầu cao.

Trường hợp thứ nhất là em P.L. (15 tuổi, quê Tây Ninh), nhập viện trong tình trạng gãy hở đầu dưới xương đùi trái, chấn thương đầu, chấn thương hàm mặt.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 8h cùng ngày, L. bị tuột cầu thang lầu 3 rơi thẳng xuống đất, ngất đi sau tai nạn. Các bác sĩ tại bệnh viện địa phương ghi nhận bé biến dạng đùi trái nên tiến hành sơ cứu, chụp X-quang xương và nẹp cố định chân, chụp CT sọ não trước khi chuyển lên tuyến trên.

Cảnh báo trẻ em rơi từ lầu cao hôn mê, chấn thương nguy kịch - 1

Bệnh viện Nhi đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cố định xương, điều trị tích cực cho bệnh nhi. Hậu can thiệp, sức khỏe bệnh nhi dần ổn định.

Trường hợp khác cũng là một bé trai. Khai thác bệnh sử, nửa đêm hàng xóm nghe tiếng động lạ, khi chạy đến thì phát hiện trẻ đã nằm dưới đất, hôn mê sâu. Bệnh nhi được chuyển vào khoa Cấp cứu, đặt ống thở và nhanh chóng chuyển vào khoa Hồi sức tích cực điều trị.

Trước đó vào tháng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM), cũng tiếp nhận cấp cứu một trường hợp trẻ té từ lầu 5 chung cư (độ cao hơn 10 mét) xuống đất, gây hôn mê và đa chấn thương, phù não, dập phổi.

Để cứu bệnh nhi, bệnh viện phải tiến hành hội chẩn và phối hợp các khoa Ngoại thần kinh, Ngoại tổng hợp, Ngoại lồng ngực, Ngoại chỉnh hình, Gây mê hồi sức. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhi mới qua cơn nguy kịch.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ té ngã, như xô đẩy nhau khi nô đùa, ngã khi chơi thể thao, leo trèo (tường, cầu thang, ban công…), hay do sự bất cẩn thiếu quan sát của người lớn.

Cảnh báo trẻ em rơi từ lầu cao hôn mê, chấn thương nguy kịch - 2

Một trường hợp trẻ té từ lầu cao xuống đất, điều trị ở TPHCM (Ảnh: BV).

Khi bé bị ngã, trước tiên phụ huynh hãy tìm cách xoa dịu, cố gắng không phản ứng quá mức nếu cú ngã hay va chạm nhẹ, không gây tổn thương nghiêm trọng khiến bé hoảng sợ.

Nếu trẻ lớn có thể nhận biết được, phụ huynh hãy hỏi kỹ vị trí và tư thế té ngã, vị trí trẻ bị đau. Nếu trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có chảy máu ra ở miệng hoặc mũi, tay chân co giật bất thường, cha mẹ cần đưa đến ngay cơ quan y tế gần nhất.

Sau khi té ngã, trẻ có thể đã bị trẹo khớp hoặc bị gãy xương nếu không cử động được tay, chân hoặc cử động thì đau nhói, cần được cố định vết thương và chụp X-quang. Nếu vết thương quá to, gây chảy máu nhiều, việc cầm máu là quan trọng nhất.

Một số triệu chứng đáng lo ngại khác là sự thay đổi thái độ đột ngột, tự nhiên trẻ tỏ ra bàng quan với tất cả xung quanh. Hoặc trái lại, trẻ bất ngờ vật vã, kích động, mắt nhìn bỗng bị rối loạn, có khi nhìn như người lác mắt. Lúc này, người nhà cần báo ngay cho bác sĩ để chẩn đoán và xử lý kịp thời. 

Cử nhân Trần Hồ Trung Tín, phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, các gia đình phải rào hoặc có thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công (chiều cao rào tối thiểu 75 cm, song dọc, khoảng cách giữa các song không quá 15 cm).

Ở bậc thềm, cầu thang phải có đủ ánh sáng để dễ quan sát, không để sàn nhà trơn trượt, ẩm ướt. Với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn quan sát, bảo vệ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm