Cảnh báo: Nhiều trẻ viêm đường hô hấp bị bội nhiễm vì gia đình tự điều trị
(Dân trí) - Nhiều trẻ nhỏ chỉ bị viêm đường hô hấp nhẹ do virus, nhưng vì bố mẹ chủ quan tự mua thuốc điều trị đã khiến trẻ bị bội nhiễm, dẫn đến các biến chứng nặng.
Từ khi trời bắt đầu trở lạnh, bé N.C.A, 2 tuổi, ở Hà Nội, xuất hiện các triệu chứng như ho, nước mũi và đờm dãi nhiều. Nghĩ rằng con chỉ ốm vặt, bố mẹ bé A. đã ra quầy thuốc tây gần nhà miêu tả triệu chứng của bé để mua thuốc về tự điều trị.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống đơn thuốc này, bệnh của bé A. không những không khỏi mà ngày một nặng thêm, nên gia đình buộc phải đưa cháu bé vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám.
“Cháu bé lúc đầu chỉ bị viêm tiểu phế quản do nhiễm virus. Tuy nhiên, vì gia đình chủ quan, tự điều trị sai cách nên trên nền bệnh lý sẵn có, cháu bé bị bội nhiễm vi khuẩn và diễn tiến thành viêm phế quản phổi”, ThS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Sau khi nhập viện, vì tình trạng bé A. đã khá nặng, các bác sĩ đã phải chỉ định khí dung, hỗ trợ thở oxy và can thiệp kháng sinh liều cao. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của trẻ đã ổn định.
Nguy cơ trẻ bị bội nhiễm vì gia đình tự điều trị
Theo BS Thúy, bé A. chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ bị bệnh đường hô hấp chuyển biến nặng vì gia đình tự điều trị, mà khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trong thời gian vừa qua.
BS Thúy chia sẻ: “Vài ba tuần trở lại đây, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, số trẻ nhập viện vì bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng lên một cách đột biến. Căn nguyên gây bệnh chủ yếu là các virus theo mùa như: cúm, virus hợp bào hô hấp, virus Adeno. Trên cơ địa các cháu bị nhiễm những loại virus này, thì dễ xảy ra hiện tượng bội nhiễm kèm theo”.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp được đưa đến bệnh viện sớm, thì việc điều trị sẽ không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bố mẹ tự mua thuốc, tự xử lý tại nhà thì các bệnh nhi sẽ dễ bị bội nhiễm.
“Từ tình trạng ban đầu chỉ đơn giản là ứ đọng đờm dãi, các cháu có thể bị bội nhiễm viêm tai giữa, bội nhiễm viêm phế quản phổi, và thậm chí là tình trạng nặng hơn như nhiễm khuẩn huyết”, BS Thúy cho hay.
Theo chuyên gia này, khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng, sinh ra các biến chứng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề. Trước hết, việc điều trị cho các bé khó khăn, khiến thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị tăng lên rất nhiều, đáng nói hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bệnh nhi.
Bảo vệ trẻ trong đợt cao điểm bệnh đường hô hấp
BS Thúy cho biết, khi thời tiết chuyển mùa, trẻ em dễ bị mắc bệnh hơn so với các khoảng thời gian khác trong năm. Vì lúc này môi trường có nhiều điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển và lây lan.
Do đó, các gia đình cần lưu ý những nguyên tắc dưới đây để đảm bảo an toàn cho con em, trong mùa cao điểm:
- Trước hết, cần nâng cao thể trạng của trẻ thông qua chế độ ăn uống và bổ sung vitamin theo lứa tuổi.
- Chú ý đến khâu vệ sinh, nhất là vệ sinh cá nhân của trẻ. Người lớn cần hướng dẫn trẻ rửa tay và thậm chí là rửa đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi.
- Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Nếu trẻ bị ốm thì nên cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà. Việc này sẽ giúp chăm sóc trẻ tốt hơn và tránh lây lan cho người khác.
- Các virus gây bệnh đường hô hấp lây lan qua giọt bắn. Vì vậy, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ở nơi đông người. Hạn chế tối đa việc người lớn hôn má trẻ vì có thể lây bệnh.