Cảnh báo bị "ngạt nước trên cạn" mà không biết, vào viện vô phương cứu chữa
(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, đã có những trường hợp gặp phải tình trạng này nhưng gia đình không biết mà cho ăn, khiến bệnh nhân bị sặc và ngưng thở, không còn khả năng cứu chữa khi vào viện.
Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, điều dưỡng Lư Ngọc Huyền, khoa Nội thần kinh đã có bài báo cáo liên quan đến tình hình điều trị rối loạn nuốt ở bệnh nhân đột quỵ.
Theo đó, rối loạn nuốt là tình trạng các giai đoạn ăn, nuốt bị suy giảm và rối loạn. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh nhân đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Thống kê từ y văn thế giới, tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, khi đã có những trường hợp chỉ mới 16-18 tuổi bị đột quỵ. Tỷ lệ chung bị rối loạn nuốt của bệnh nhân đột quỵ trên toàn cầu là 23-65%.
Riêng tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trung bình mỗi tháng có khoảng 180 trường hợp vào điều trị đột quỵ. Trong đó, hơn 40% bệnh nhân gặp biến chứng rối loạn nuốt.
Điều dưỡng Lư Ngọc Huyền cho biết, tất cả bệnh nhân đột quỵ khi nhập viện đều được đánh giá tình trạng rối loạn nuốt, dựa vào thang điểm GUSS (Gugging Swallowing Screen).
Cụ thể, bệnh nhân sẽ được theo dõi việc nuốt gián tiếp và trực tiếp các thức ăn lỏng, sệt và rắn, kiểm tra tình trạng tri giác, nuốt nước bọt, khả năng ho và tự làm sạch họng. Khi bệnh nhân được chấm 0-9 điểm (trên thang 20 điểm) sẽ được kết luận rối loạn nuốt nặng, nguy cơ hít sặc cao.
Nếu không phát hiện kịp thời, rối loạn nuốt sẽ gia tăng nguy cơ viêm phổi hít tử vong cho bệnh nhân, hoặc gây các biến chứng về hô hấp, tàn phế, trầm cảm…
"Đã từng có những trường hợp bệnh nhân rối loạn nuốt tại nhà nhưng gia đình không biết và cho ăn, khiến bệnh nhân bị sặc rồi lâm dần vào tím tái. Tình trạng này thường được gọi là "ngạt nước trên cạn".
Khi vào viện, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở và không thể cứu chữa", thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Tân, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định dẫn chứng.
Tùy vào tình trạng rối loạn nuốt mà có phương pháp điều trị và chế độ ăn phù hợp. Nếu nặng, bệnh nhân sẽ được ăn qua ống sonde dạ dày. Ở mức độ trung bình, bệnh nhân cần được cho dùng thức ăn sệt, vì thức ăn lỏng dễ gây ra tai biến hít sặc.
Việc điều trị phải dựa vào tổng trạng chung của bệnh nhân. Có những trường hợp đã cao tuổi, biến chứng nặng phải đặt ống ăn suốt đời, hoặc mở dạ dày.
Như trường hợp của ông T.V.D. (hơn 70 tuổi), bị đột quỵ biến chứng rối loạn nuốt, điều trị ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định cách đây 4 tháng, đến nay vẫn phải ăn qua ống sonde và đã có kế hoạch mở dạ dày.
Các y bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có dấu hiệu tai biến, đột quỵ (như đột ngột rối loạn ngôn ngữ, yếu liệt tay chân, méo miệng, co giật, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức), cần được can thiệp nhanh chóng. Vì khi tăng thêm 1 ngày nằm viện, tình trạng rối loạn nuốt của bệnh nhân cũng tăng thêm 19%.
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ thì nguy cơ rối loạn nuốt cao gấp 2,8 lần người bị lần đầu, nên cần được chú ý để điều trị kịp thời.
Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2023 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định có sự tham gia của nhiều chuyên khoa sâu như Nội, Ngoại, Sản khoa, Lâm sàng và Chẩn đoán hình ảnh, với tổng cộng 14 phiên và 77 bài báo cáo khoa học.
Đây là diễn đàn khoa học và là nơi để giới chuyên môn công bố những công trình nghiên cứu, chia sẻ những kinh nghiệm thực hành cũng như cập nhật các tiến bộ mới nhất trong y khoa từ các chuyên gia trong và ngoài bệnh viện.
Ngoài ra, hội nghị cũng có những hội thảo vệ tinh nhằm cập nhật kiến thức về kháng sinh trong điều trị đa kháng, rối loạn giấc ngủ, điều trị bệnh lý đường tiêu hóa trên.