Căng thẳng làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Con người ngày càng chịu nhiều áp lực. Do đó, vấn đề stress cũng trở nên phổ biến hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, stress còn là căn nguyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có ung thư.

Căng thẳng làm tăng nguy cơ ung thư

Căng thẳng mãn tính sẽ khiến hệ thống nội tiết liên tục tiết ra cortisol, gây giảm khả năng miễn dịch. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và ung thư càng tăng cao.

Ngoài ra, khi căng thẳng chuyển thành căng thẳng mãn tính, bạn rất dễ cảm thấy chán nản, thậm chí là trầm cảm. Khi chúng ta rơi vào tâm trạng chán nản thì sức đề kháng với bệnh tật sẽ giảm sút rõ rệt. Một trong những nguyên nhân là do tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên) hoạt động kém đi nên khả năng tăng sinh tế bào lympho ở bệnh nhân trầm cảm cũng sẽ giảm đi.

Căng thẳng làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào? - 1

Trong nhiều nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của những người từng bị trầm cảm do ung thư cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh.

Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí "Journal of Clinical Investigation" cho thấy một loại hormone gây stress có tên là epinephrine tạo ra một loạt các phản ứng sinh hóa có lợi cho sự phát triển và lây lan của ung thư vú. Nghiên cứu này được coi là bằng chứng khoa học đầu tiên về tác động của stress mãn tính đối với sự phát triển của tế bào gốc ung thư.

"Bạn có thể tiêu diệt tất cả các tế bào bạn muốn trong một khối u, nhưng nếu các tế bào gốc hoặc tế bào mẹ không bị tiêu diệt thì khối u vẫn sẽ phát triển và di căn. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên kết của stress mãn tính với sự phát triển của tế bào gốc ung thư vú" - Tiến sĩ Keith Kelley, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Montreal, Canada đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá mối liên quan giữa ung thư và stress liên quan tới công việc kéo dài ở nam giới.

Kết quả cho thấy bị stress liên quan tới công việc kéo dài trong thời gian 15-30 hoặc thậm chí là trên 30 năm có liên quan tới tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày và bệnh lympho không Hodgkin. 

Bên cạnh đó, tình trạng stress mãn tính cũng thúc đẩy sản xuất các yếu tố tăng trưởng làm tăng nguồn cấp máu, từ đó tăng tốc độ phát triển của khối u ác tính.

Những thực phẩm phòng ung thư hiệu quả

Gốc tự do là một phân tử hóa học bị mất đi một electron, nói một cách đơn giản, phân tử đó bị "mất cân bằng". Khi bị mất cân bằng, nó sẽ có xu hướng lấy electron của phân tử khác để trở về trạng thái cân bằng, điều này rất nguy hiểm vì nó có thể phá hủy các phân tử khác, đặc biệt là các phân tử cấu trúc nên thành phần của tế bào.

Căng thẳng làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào? - 2

Do đó, gốc tự do có liên quan chặt chẽ và là nguyên nhân quan trọng gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Cụ thể, nếu gốc tự do tấn công vào phân tử lipid ở mạch máu, nó sẽ góp phần gây ra xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ,…; gốc tự do tấn công vào ADN ở nhân tế bào sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc ADN, gây đột biến hoặc chết tế bào, gây lão hóa hoặc nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là ung thư.

Chất chống oxy hóa là những hợp chất có thể giúp trung hòa các gốc tự do. Nhờ trung hòa các gốc tự do, chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm một số dạng tổn thương tế bào cũng như phòng ung thư.

Những hợp chất này có thể gặp tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm, đáng chú ý nhất là trái cây và rau, nhưng cũng có thể được tổng hợp và sử dụng ở dạng chế phẩm bổ sung.
Các chất chống oxy hóa phân hủy các loại oxy hoạt tính thành nước và oxy, đồng thời loại bỏ độc tính của chúng. Các chất chống oxy hóa tiêu biểu nhất là superoxide disroportionation (SOD), vitamin A (β-carotene), vitamin C, vitamin E, flavonoid, astaxanthin, lycopene…

Những loại thực phẩm dưới đây chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe:

Các loại quả mọng

Các loại quả mọng có nhiều chất chống oxy hóa, các loại vitamin và khoáng chất khác. Chúng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương não, ung thư, cholesterol cao và các bệnh liên quan đến tuổi tác và cũng có tác dụng chống lão hóa.

Nho tím

Các chất chống oxy hóa có trong nho đỏ/nho tím được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư và bệnh tim và cũng có tác dụng chống lão hóa.

Nam việt quất

Nam việt quất có chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ và hiệu quả được gọi là flavonoids có tác dụng chống lại các gốc tự do nguy hiểm trong cơ thể.

Súp lơ xanh

Các chất chống oxy hóa như carotenoid, lutein, zeaxanthin và beta-carotene có trong súp lơ xanh giúp chống ung thư.

Cà chua

Cà chua chứa 3 loại chất chống oxy hóa cần thiết - lycopene, vitamin C và vitamin A. Trong số đó, vitamin C là chất chống oxy hóa quan trọng nhất giúp cải thiện sức khỏe. Ăn cà chua nấu chín giúp chúng ta hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Óc chó

Hạt óc chó rất lành mạnh vì chúng chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa - polyphenol. Chúng cũng không chứa cholesterol, ít natri và là thực phẩm bạn nên ăn hàng ngày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm