Cứ nhiễm HPV là có nguy cơ ung thư?

Tú Anh

(Dân trí) - Nhiều chị em lo ngại bị ung thư cổ tử cung khi xuất hiện mụn cóc vùng sinh dục. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm virus HPV là có nguy cơ này.

Tỷ lệ nhiễm HPV khá phổ biến ở cả nam và nữ. Ở nữ giới, nhiễm HPV được cảnh báo làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư.

Cứ nhiễm HPV là có nguy cơ ung thư? - 1

Phần lớn các chủng HPV gây ra mụn cóc trên da tại các vị trí như cánh tay, ngực, bàn tay hoặc bàn chân. Các type khác được tìm thấy chủ yếu tại các màng niêm mạc trong cơ thể. Các màng niêm mạc này là các lớp bề mặt ẩm bao phủ phía ngoài các cơ quan và bộ phận của cơ thể như âm đạo, hậu môn, miệng, hầu họng.

Trong thực tế điều trị các bác sĩ nhận thấy phần lớn các bệnh nhân ung thư cổ tử cung có nhiễm HPV. Đây là virus lây truyền qua đường tình dục.  Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.

Khi nhiễm virus ở các type này sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, còn các chủng khác không có nguy cơ này.

Tỷ lệ nhiễm HPV khá phổ biến. Trong phần lớn trường hợp, cơ thể có khả năng tự loại bỏ virus. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, tình trạng nhiễm HPV có thể kéo dài dai dẳng. Nhiễm HPV mạn tính hoặc kéo dài, đặc biệt khi gây ra bởi một số type HPV có nguy cơ cao có thể tiến triển thành ung thư trong tương lai.

Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung có thể được phát hiện sớm và thậm chí phòng ngừa với các xét nghiệm sàng lọc thường quy. Xét nghiệm Pap tìm kiếm các thay đổi trong các tế bào cổ tử cung do nhiễm HPV. Xét nghiệm HPV tìm kiếm sự có mặt của chính virus HPV để có thể dự phòng ung thư chủ động.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Theo Ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung.

Nhiều chị em băn khoăn, đi sàng lọc ung thư cổ tử cung, ngoài xét nghiệm Pap, bác sĩ hỏi người bệnh có muốn xét nghiệm HPV hay không. Vậy hai xét nghiệm này khác nhau như thế nào?

Xét nghiệm Pap smear: Đây là xét nghiệm đơn giản, khi khám phụ khoa, soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy dịch âm đạo để tiến hành xét nghiệm. Xét nghiệm Pap được thực hiện nhằm tìm kiếm sự thay đổi trong các tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm rất đơn giản để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung.

Đây là xét nghiệm quan trọng, giúp bác sĩ phát hiện có bất thường tế bào hay không để tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, khẳng định bệnh.

Còn với xét nghiệm HPV cho phép phát hiện có hay không virus để có sự kiểm soát chủ động hơn.