1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cẩn trọng với triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ trai: “Của bố tốt thì con cũng hoành tráng”?

Khi phát hiện “hòn ngọc” của con trai “biến mất”, thay vì đưa con đến các cơ sở chuyên khoa nhi hoặc nam khoa để khám, điều trị, không ít gia đình lại chủ quan rằng con còn bé chưa đủ sức khỏe, không nên động dao kéo...

...Số khác lại cho rằng khi lớn lên, “hòn ngọc” sẽ tự phát triển và trở về đúng vị trí, không cần khám. Theo các chuyên gia: Quan điểm đó hoàn toàn sai lầm!
Cẩn trọng với triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ trai: “Của bố tốt thì con cũng hoành tráng”?
Cách đơn giản nhất để nhận biết tinh hoàn ẩn là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn. Khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Ảnh minh họa

3-4% trẻ sơ sinh có dấu hiệu tinh hoàn ẩn

Lấy nhau hơn 1 năm, anh Quý, chị Phương (trú tại Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Bảo Nam. Sau buổi sinh nhật lần thứ nhất được tổ chức tưng bừng, chị Phương giật thót mình khi sờ “của quý” của con trai yêu thấy “hạt ngọc” bên phải… đi vắng. Chị bàn với chồng, anh lại bảo: Con còn nhỏ, sợ gì. Của bố tốt, kiểu gì của con cũng tốt (?!).

Nhiều lần chị Phương cũng đề nghị đưa con trai đi khám nội tiết nhi hoặc nam khoa, nhưng anh Quý đều gạt đi. Anh khăng khăng: Trẻ con động dao kéo, thăm khám làm gì cho đau đớn, ám ảnh!  Chỉ đến khi 4 tuổi, Bảo Nam liên tục kêu đau dữ dội một bên bẹn đùi, bớt chạy nhảy vui chơi, đặc biệt nhất định không cho bố mẹ sờ vào đó, vợ chồng anh mới hoảng hốt đưa con đi khám. Kết quả, cháu đã bị tinh hoàn ẩn bị xoắn.

“Tôi cứ nghĩ Bảo Nam mập quá so với mức cho phép. Cháu 4 tuổi đã nặng 35kg, đùi to, mỡ nhiều nên sờ không thấy đâu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không ngờ cháu bị ẩn “hạt ngọc” thật!”, anh Quý giãi bày.

BS nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vimec cho biết, đã từng điều trị cho rất nhiều bé trai có bất thường về tinh hoàn. Cháu V.D.H (10 tuổi), khi sinh ra, bố mẹ thấy rõ H chỉ có một tinh hoàn bên phải, tinh hoàn trái sờ lúc có lúc không. Người nhà cháu nghĩ rằng để lúc lớn nó sẽ phát triển và tự xuống, nhưng mãi đến 10 tuổi vẫn chưa thấy hai “hòn bi” về đúng vị trí, khi đó mới đưa cháu đi kiểm tra. “Bé H được chẩn đoán là bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn nằm trong ống bẹn và được tư vấn mổ để kéo tinh hoàn xuống bìu, đồng thời tránh nguy cơ xoắn, chấn thương, cũng như vô sinh”, BS Nguyễn Bá Hưng nói.

TS.BS Nguyễn Quang, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: “Tinh hoàn ẩn là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra. Tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai”.

Các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn gặp ở khoảng 3-4% trẻ khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi…

Cần điều trị trước 2 tuổi để bảo toàn khả năng sinh sản

“Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện ngay sau sinh để có kế hoạch theo dõi và điều trị sớm cho bé.  Trẻ cần điều trị trước 2 tuổi để khả năng sinh sản sau này không bị ảnh hưởng. Nếu để sau 2 tuổi trở ra và để càng lâu trong cơ thể, nguy cơ vô sinh sẽ càng tăng...”, BS Nguyễn Bá Hưng khẳng định.

Thông thường, với trẻ bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn có thể tự “xuống” sau 3 tháng sau sinh. Nếu sau 1 năm thì tinh hoàn không thể xuống được nữa. Do đó, trẻ nên được theo dõi thật chu đáo trong năm đầu. Nếu sau 1 năm tinh hoàn vẫn không “xuống”, trẻ sẽ được tiến hành điều trị, ban đầu điều trị nội khoa. Nếu trong 3-6 tháng không hiệu quả, bé sẽ được chỉ định can thiệp ngoại khoa để đảm bảo khả năng sinh tinh trùng về sau này.

Với bất cứ trẻ nào trên 14 tuổi mà tinh hoàn chỉ to bằng đầu ngón tay cái (tương đương thể tích bằng 4ml), cha mẹ phải đưa các cháu đi khám ngay để giúp các cháu được phát triển bình thường và tránh những hệ lụy do “hòn ngọc” của cháu không phát triển.

Nếu bệnh nhân chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con. Tuy nhiên, những bệnh nhân này vẫn có nhiều rủi ro do có nguy cơ bị ung thư bên tinh hoàn ẩn và nhiều nguy cơ khác. “Tại Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi cũng đã gặp trường hợp bệnh nhân có tinh hoàn ẩn một bên, tinh hoàn bên kia nằm trong bìu nhưng chẳng may bị xoắn hoặc chấn thương nên phải cắt tinh hoàn. Như vậy, nguy cơ vô sinh đối với bệnh nhân này vẫn rất lớn”, TS. BS Nguyễn Quang nói.

Nếu bệnh nhân bị ẩn tinh hoàn hai bên thì nguy cơ vô sinh rất cao. Những người này thường có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng. Thậm chí, có những người còn không thể quan hệ tình dục được do thiếu hụt nội tiết tố trầm trọng. Thể trạng những nam giới này thường yếu đuối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và tâm sinh lý người bệnh. Ngoài ra, người bị tinh hoàn ẩn còn có thể bị phối hợp thêm các dị tật bẩm sinh khác. Nhiều dị tật bẩm sinh làm tăng nguy cơ vô sinh hơn cho người bệnh.

Theo BS CK1 Trương Anh Mậu, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cách đơn giản nhất để nhận biết tinh hoàn ẩn là sờ bìu của bé khi đứng mà không thấy tinh hoàn. Khi bé nằm, sờ lên vùng bẹn có thể thấy có một khối cộm nhỏ di động. Còn các dấu hiệu để nhận biết tinh hoàn ẩn bị xoắn chính là khi trẻ đột nhiên đau thắt dữ dội vùng tinh hoàn ẩn (thường ở vùng bẹn), sờ đau và trẻ không cho sờ, đôi khi kèm theo nôn ói.
 

“Có quan điểm cho rằng tinh hoàn của trẻ có thể di chuyển xuống bìu khi trưởng thành, nên nhiều gia đình khi có con trai bị tinh hoàn ẩn, đã cố đợi tinh hoàn “xuống” bìu cho đến khi con đến tuổi trưởng thành mới đưa đi khám và điều trị; hoặc nam giới lấy vợ mà lâu không thấy có con mới đi khám. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm vì tinh hoàn càng ở lâu trong bụng càng không tốt”.

(TS.BS Nguyễn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức)

Theo Thu Nguyên

Gia đình & Xã hội