Cẩn trọng khi cặp nhiệt độ cho trẻ
Bệnh viện Nhi TƯ vừa tiếp nhận cho một bệnh nhi 2 tuổi ở Hà Nội được người nhà đưa đến cấp cứu sau khi bé đột nhiên cắn vỡ chiếc nhiệt kế được mẹ đặt trong miệng để đo thân nhiệt khi sốt.
Bệnh nhi đã được bác sĩ cho uống thuốc nhuận tràng để nhanh chóng loại bỏ thủy ngân ra khỏi cơ thể.
Theo các bác sĩ, khi sản xuất nhiệt kế thuỷ ngân, nhà sản xuất đã tính đến khả năng bị trẻ nhỏ cắn vỡ, nên đã sử dụng loại thủy ngân đặc biệt, không gây ngộ độc cho trẻ.
Nếu chẳng may trẻ rơi vào tình huống này, người nhà không nên quá lo lắng mà dùng tay móc họng để kích thích trẻ nôn ra.
Cần bảo trẻ (với trẻ nhỏ được người lớn bế) nhảy nhót một hồi để thủy ngân nhanh chóng tụt xuống đại tràng. Sau đó, cho trẻ uống thuốc nhuận tràng để đào thải thủy ngân.
Có thể đặt nhiệt kế ở nhiều vị trí: nách, hậu môn, miệng, tai. Trong đó, đặt nhiệt kế ở hậu môn cho kết quả chính xác và ổn định nhất, nhưng rất dễ xảy ra tai biến thủng trực tràng do bé quẫy đạp mạnh. Phương pháp được áp dụng nhiều là cặp nhiệt độ ở nách.
Tuy nhiên, ở vị trí này, kết quả đo được thường thấp hơn khi đo ở hậu môn khoảng 0,50C. Không nên bỏ tiền mua các dải băng đo nhiệt độ dùng dán lên trán hoặc tay, vì chúng không hề chính xác.
Việc đặt nhiệt kế dưới lưỡi chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 7-8 tuổi trở lên, vì trẻ nhỏ rất khó thực hiện yêu cầu giữ yên nhiệt kế trong khoảng thời gian nhất định.
Hơn nữa, nếu trẻ khóc, ngọ nguậy nhiều thì không những không cho kết quả chính xác, mà còn có thể làm vỡ nhiệt kế, gây nguy hiểm.
Theo Hà Giang -Thái Hà
Tiền phong