1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cẩn thận với “cháo dinh dưỡng”

Hiện nay, trên thị trường TPHCM xuất hiện khá nhiều “cháo dinh dưỡng” nấu sẵn được bán với giá rất “bèo”, 2.000- 4.000 đồng/bịch... Sử dụng loại cháo này rất tiện dụng, tuy nhiên, nhiều nhà chuyên môn cảnh báo: Ngoài việc vệ sinh của một số loại cháo không bảo đảm, chất lượng dinh dưỡng cũng là vấn đề cần quan tâm.

Mới đây, chị Tuyết Linh, ngụ đường Nguyễn Văn Chí (quận 6), đã mang một bịch “cháo dinh dưỡng” bên trong có nửa điếu thuốc lá đã bị nấu mềm. Chị cho biết đã mua gói cháo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) về cho con ăn được nửa bịch thì phát hiện mẩu thuốc.

 

Ghi nhận thực tế, thấy “cháo dinh dưỡng” được bày bán khắp nơi với đủ loại cháo đóng gói sẵn như cháo lươn, cháo thịt heo, thịt bò, óc heo, thập cẩm, đậu đen, đậu xanh..., giá phổ biến chỉ 2.000-4.000 đồng/bịch. Cầm bịch cháo nóng hổi trên tay với bao bì khá bắt mắt, dường như ai cũng tin về giá trị dinh dưỡng và chất lượng vệ sinh của nó nhưng nếu xem kỹ có nhiều điều đáng lo ngại.

 

Chẳng hạn loại cháo H. (cơ sở đặt tại quận Bình Tân), trên bao bì có ghi thành phần, cách bảo quản, thậm chí ghi rõ “sử dụng trong 18 giờ” nhưng lại không có ngày sản xuất. Cháo M. ghi hạn sử dụng trong vòng 24 tiếng nhưng cũng không ghi ngày sản xuất...

Có bà mẹ còn mua một bịch cháo thịt bò đóng gói kỹ lưỡng (có đóng dấu Sở Y tế TP HCM) của cơ sở M. và đã phát hiện có cả một sợi tóc dài nằm trong cháo. Ngay sau đó, Sở Y tế tiến hành kiểm tra và xử phạt cơ sở này vì đã dùng dấu giả.

 

Tiến sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Minh Kiều, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng, nhận định, không ai biết được nguồn nguyên liệu chế biến cháo (cá, thịt, rau, củ...) có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không; thời gian bảo quản bao lâu?... Trong khi đó, thức ăn nấu chín, ở nhiệt độ bình thường, không nên để quá 4 giờ. Vì cứ một giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn trong thức ăn có thể phát triển tăng gấp 5-10 lần. Ăn phải các loại thức ăn để lâu trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc...

 

Về mặt dinh dưỡng, bà Minh Kiều cũng cho biết, qua khảo sát cho thấy hàm lượng protid trong các loại “cháo dinh dưỡng” này rất thấp, không đủ tiêu chuẩn cho một bữa ăn của bé. Nếu chọn “cháo dinh dưỡng” cho bé thì nên bổ sung thêm sữa và các loại thịt, cá khác.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, từng cho biết thường xuyên trong các đêm trực đã chứng kiến cảnh nhiều bậc cha mẹ phải đưa con đến cấp cứu với triệu chứng ói, tiêu chảy vì trước đó đã cho trẻ ăn “cháo dinh dưỡng”.

 

Theo bác sĩ Hoa, với tên gọi “cháo dinh dưỡng” và trên bao bì có ghi đầy đủ các chất như cháo, nước xương, thịt bò, khoai tây, đậu xanh, cà rốt, đậu cô ve, dầu ăn... các bậc cha mẹ rất dễ tin rằng cháo có đầy đủ dinh dưỡng nhưng thực tế lại không phải như vậy.

 

Đã có nhiều trường hợp trẻ ăn “cháo dinh dưỡng” trong một thời gian dài đã bị suy dinh dưỡng. Nếu ăn lâu dài sẽ có nguy cơ ngày càng biếng ăn.

 

Theo Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm