1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cẩn thận khi mua dừa xiêm

(Dân trí) - Rất ít người biết rằng những quả dừa xiêm ngọt lịm đã bị tiêm thêm đường hoá học và vẻ trắng phau kia là nhờ dung dịch chuyên dùng để… tẩy vải.

“Công nghệ” làm ngọt dừa

 

Giống như nhiều người, điểm dừng quen thuộc của chị Nhung là một trong những quán giải khát gần Gò Đống Đa (Hà Nội). Khu vực này bán khá nhiều loại dừa Thái Lan đã bóc vỏ sẵn - một loại quả khá phổ biến tại Hà Nội trong vài năm trở lại đây.

 

Theo chị Nhung, đây là cách giải khát rất an toàn bởi trong vô vàn thứ hoa quả đang bán trên thị trường, dừa thuộc dạng lành (không thuốc trừ sâu mà cũng chẳng chất bản quản…).

 

Quả thực, với giá thành không quá đắt (10 - 12 nghìn đồng/quả) khu vực này thu hút không ít người đến uống nước dừa tại chỗ hoặc mua đem về, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Với những quả dừa trắng phau, khách chỉ việc cắm ống hút vào lỗ mầm quả dừa là có thể thưởng thức nước dừa mát lạnh, ngọt lừ.

 

Thế nhưng theo lời tiết lộ của anh Thanh, một đầu mối chuyên giao dừa cho nhiều quán giải khát ở Hà Nội: loại dừa xiêm mà các chủ quán vẫn gọi là dừa Thái Lan thực chất được trồng ở Bến Tre. Loại dừa này có vị ngọt và thơm ngon và được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ trên thị trường khá lớn nên thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu.

 

Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều hàng giải khát đã mua loại dừa có chất lượng kém hơn hẳn với giá khá rẻ (1 - 3 nghìn đồng, tuỳ thời điểm) rồi “phù phép” biến chúng thành “dừa Thái” bán cho khách. Phương pháp thực hiện khá đơn giản, người bán hàng chỉ việc lóc vỏ quả dừa sao cho chỉ còn một lớp vỏ mỏng ngà rồi thêm đường hoá học bằng cách tiêm qua lỗ mầm trên đầu quả dừa. Vậy là loại nước dừa non có vị chua chua sẽ trở nên ngọt lừ và được bán với giá gấp 6 - 8 lần giá trị thực của nó.

 

Để giữ cho vỏ dừa trắng phau cả ngày, không bị thâm đen do chảy nhựa, nhiều người bán hàng dùng phương pháp ngâm quả dừa trong nước phèn chua đặc. Nhưng cách này tỏ ra không mấy hiệu quả nên sau đó họ đã dùng một cách vừa nhanh vừa rẻ tiền là ngâm dừa bằng nước có pha thêm thuốc tẩy Javen - loại chuyên dùng tẩy trắng vải. Với một lượng nhỏ thuốc tẩy pha vào thùng nước, một lượng lớn quả dừa sẽ trắng phau suốt cả ngày. “Công nghệ” này còn được áp dụng để làm trắng măng. Đó cũng là lý do tại sao măng tre bán ở chợ hiện nay cứ trắng phau chứ không vàng vàng, thâm thâm như ngày xưa!

 

Theo khảo sát của phóng viên, ở một số khu vực tập trung đông các quán giải khát như phố Tây Sơn, Phan Đình Phùng, Hàng Hành,  Kim Liên…loại dừa “Thái” này được khá nhiều người ưa chuộng.

 

Độc hại dừa tiêm đường hóa học

 

Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, đường hóa học (hay là chất ngọt tổng hợp) là chất không có trong tự nhiên, thường có vị ngọt gấp 200 lần so với đường kính saccharose (đường tự nhiên khai thác từ mía, củ cải đường) và tuyệt nhiên không hề có một giá trị dinh dưỡng nào khác và thường được chỉ định đối với người mắc bệnh tiểu đường.

 

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại rất nhiều những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Nguyên do là loại đường hóa học này có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền... Hơn nữa các chất chuyển hóa của cyclamate như mono và di cyclohexylamin còn độc hại hơn cả cyclamate (chỉ cần 0,7% đã có tác dụng kích thích và gây ung thư cho chuột). Từ những nguy cơ gây bệnh khi sử dụng lâu dài, hiện nhiều nước trên thế giới (trong đó có VN) đã không cho phép sử dụng cyclamate làm phụ gia thực phẩm.

 

Tuy nhiên, do đặc tính tạo ngọt cao, giá thành lại khá rẻ nên đường hoá học vẫn thường được bán ở tất cả các sạp hành khô trong chợ. Chỉ 1 viên đường hoá học (500 - 1.200đ) là đủ làm ngọt hàng chục quả dừa.

 

Về vấn đề một số người bán hàng vì muốn bán được nhiều hàng để tăng lợi nhuận mà dùng nước tẩy để làm trắng củ, quả, ông Nguyễn Xuân Lãng, trưởng phòng Phân tích và Kiểm tra môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho biết: Chất tẩy Javen vốn dĩ chỉ dùng trong công nghiệp, nếu dùng để tẩy thực phẩm sẽ gây clo hoá các chất hữu cơ, sinh độc và dần dần ảnh hưởng đến cơ thể người. Thậm chí, thuốc tẩy Javen nồng độ cao khi vào đường tiêu hóa sẽ gây bỏng nặng, có thể làm loét, thủng dạ dày, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.

 

Theo kinh nghiệm của một người bán giải khát: để phát hiện quả dừa xiêm bị tiêm đường hoá học cần để ý đến phần cuống (mỏm) của quả dừa đó. Nếu phần mỏm này sùi bọt nước thì đích thị quả dừa đó bị “tiêm”.  Tuy nhiên, những quả dừa đã tiêm đó đã được để vào trong tủ lạnh thì cũng đành “bó tay”, không phân biệt được.

 

Chính vì vậy, cách tốt nhất để có được quả dừa an toàn, là người mua nên chọn loại quả dừa chưa bị bóc vỏ, còn nguyên ở chùm. Khi muốn uống nước dừa tại chỗ, hãy yêu cầu người phục vụ chặt tại chỗ, tuyệt đối không ngâm không rửa gì. Hãy bằng lòng với hình ảnh khi vạt vỏ ra xong, vỏ dừa sẽ thâm đen, đó chính nhựa do vỏ dừa tiết ra.

 

Để tránh bị lừa khi mua dừa xiêm, hãy chọn mua ở các quầy hàng đảm bảo hoặc trong những siêu thị có uy tín chuyên cung cấp hoa quả tươi.

 

P. Thanh