Cẩn thận cá nục “siêu rẻ”

Với giá từ 18.000-20.000/kg, cá nục “siêu rẻ” bán tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội đang là mối lo lớn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm…

Rẻ bằng 1/2 giá thường

 

Trong khi cá nục bán bình thường giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg thì tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội: Nghĩa Tân, Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn,… lại xuất hiện những hàng bán cá nục với giá rẻ “giật mình” , chỉ có từ 10.000- 20.000 đồng/kg.

 

Chị Hải (Long Biên, HN) cho biết: Nhìn bề ngoài thì loại cá nục giá rẻ này không khác gì cá nục của các hàng khác, không biết chất lượng thì thế nào. Cứ mua về ăn thử, nếu ngon thì lần sau còn mua cho rẻ, nếu không ngon thì cũng biết đường mà tránh…”.

 

Theo người bán hàng, cá của họ bán rẻ hơn các hàng khác là do họ “lấy tận gốc, bán tận ngọn”, không phải qua trung gian nên mới được giá rẻ vậy.

 

Theo quan sát của PV, đa số cá biển được bày bán lẻ trên các mâm, chậu phủ đá lạnh. Một tiểu thương tại chợ  Nguyễn Sơn (Long Biên, HN) cho biết: Mỗi lần lấy hàng về bán vài chục cân cá các loại bán cả ngày. Bán không hết thì ngâm vào thùng đá cho chút muối giữ lạnh. Khi bày bán thì phủ đá cho có hơi lạnh thôi chứ làm sao lạnh nhiều được. Tiền mua đá ướp cá tốn lắm, bán một ngày không hết về lại phải ướp vào thùng đá”.

 

Có lẽ vì không được bảo quản cẩn thận, lại là đồ “siêu rẻ” nên khi cầm vào những con cá nục này, mình cá rất nhão, khi mua về chế biến lên thì thấy thịt cá rất bở, không có độ chắc.

 

Cẩn thận cá nục “siêu rẻ”

Việc bảo quản cá biển nếu không ướp lạnh ở điều kiện cần thiết thì sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

 

Cẩn thận ngộ độc thực phẩm

 

Chị Thảo (Long Biên, HN) cho biết: “Mấy hôm trước tôi cũng mua thử 1kg cá nục giá rẻ này về ăn. Đúng là “của rẻ là của ôi”, đem về mới chỉ rửa qua nước mà thịt cá đã bở hết ra. Đem vào rán cũng không săn được mình con cá, nếu lật không khéo thịt cá sẽ bục hết ra, lúc ăn không có vị ngọt và thơm đặc trưng của cá biển nữa”.

 

Theo một cán bộ của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình khai thác hải sản từ đánh bắt tới tiêu dùng diễn ra cả tháng trời. Đánh bắt, giữ lạnh, sơ chế, cấp đông, bán buôn, bán lẻ, chế biến tại bếp ăn và tới tiêu thụ, nếu khâu bán lẻ bảo quản không đạt yêu cầu thì thực phẩm hoàn toàn có thể nhiễm khuẩn. Việc bảo quản cá biển nếu không ướp lạnh ở điều kiện cần thiết thì sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao.

 

Tốt nhất, chị em nội chợ nên lựa chọn thực phẩm cá biển còn tươi sống, dễ nhận thấy nhất là mắt cá còn trong, đen, ấn vào thịt cá còn độ dai, không bở và nên mua loại thực phẩm này tại các cơ sở đông lạnh uy tín. Tuy nhiên, việc bảo quản, chế biến sau khi mua tại bếp ăn cũng cần chú ý cho sạch sẽ, nếu cá chưa ăn tới thì nên cấp đông, đảm bảo độ lạnh cần thiết.

 

Theo Ngọc Anh

Chất lượng Việt Nam