Cận Tết, y bác sĩ "xuống đường" đòi lương

Sau nhiều lần phản ánh về tình trạng nợ lương, Bộ Y tế đã vào cuộc nhưng đến nay hàng trăm cán bộ công nhân viên của BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội vẫn bị nợ, cực chẳng đành họ phải căng băng rôn đòi lương.

Sau buổi làm việc ngày 11/1/2022, hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam) người cầm giấy, người cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện "cầu cứu" người đi đường lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ.  

Cận Tết, y bác sĩ xuống đường đòi lương - 1

Chị Lê Thanh Bình làm nhân viên phòng kế toán của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết chị và các đồng nghiệp của mình sau nhiều lần kêu cứu, gửi đơn tới các cơ quan chức năng nhưng đều không có hiệu quả. Mặc dù, cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo Học viện đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía bệnh viện chưa nhận được một động thái nào từ các lãnh đạo thậm chí lương tháng 12 của nhân viên đến nay chưa được trả. 

Chị Bình mệt mỏi cho biết khi báo chí đưa tin, các cơ quan ban ngành vào làm việc thậm chí Tổng liên đoàn lao động cũng tham gia làm việc nhưng cái mà nhân viên bệnh viện nhận được chỉ là lời hứa từ lãnh đạo. 

Đến gần tết, hơn 160 con người vẫn đang xoay xở với cuộc sống lo lắng cái Tết phía trước lấy gì lo cho gia đình. 

Chị Bình là mẹ của ba đứa con nhỏ, bản thân chị là trụ cột kinh tế chính trong gia đình nhưng suốt 8 tháng qua lương mỗi tháng được hơn 2 triệu, chị không lo nổi cho mình nói gì nuôi con.

Không riêng chị Bình đây là hoàn cảnh chung của hơn 160 cán bộ nhân viên của bệnh viện quá khổ sở với mức lương chỉ từ 1-3 triệu đồng như vậy. Đã có những người phải bỏ việc để mưu sinh bằng nghề khác. Họ mong chờ một ngày được nhận đủ lương thì gần đây nhất Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương tháng 11/2021 cho người lao động. 

Chị Nguyễn Thị Vân là điều dưỡng Khoa Khám bệnh vô cùng bức xúc bức xúc vì rất nhiều lần đòi quyền lợi, chị và các đồng nghiệp khác bị lãnh đạo Học viện phê bình vì bãi công trong giờ làm. Tuy nhiên, là một y bác sĩ chị cho biết, bản thân luôn tuân thủ và có trách nhiệm trong công việc, mặc dù chậm lương nhưng chị không một phút giây lơ là với bệnh nhân.

Những lần viết đơn cầu cứu, các cán bộ y bác sĩ đều đợi hết giờ làm mới tiến hành vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Chị Vân và các đồng nghiệp của mình không bao giờ bỏ việc mà họ tìm cách đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.

Cái khó của những người ở bệnh viện này, theo họ những người làm trưởng khoa, trưởng phòng lại thuộc biên chế của Học viện Y học cổ truyền họ không bị nợ lương, không bị gây khó khăn về kinh tế nên chẳng còn ai đứng cùng với anh em nhân viên đòi quyền lợi mà chỉ nhân viên tự đòi quyền lợi với nhau. 

Mọi người đều vô cùng bức xúc khi những phản ánh của họ như muối bỏ bể. Bản thân của họ không muốn mặc áo blouse ra đường như vậy mà vì miếng cơm manh áo, vì muốn được sự ủng hộ của cộng đồng mà phải đứng trước cơ quan mình làm việc đòi lương.

Chị Nguyễn Thị Duyên - Điều dưỡng khoa Thần Kinh cho biết chị đã làm việc tại đây 14 năm, cả tuổi thanh xuân ở bệnh viện này và đến hiện tại chị rơi vào hoàn cảnh bĩ bách vì năm hết tết đến mà chẳng có gì. Mỗi tháng lương được 3 triệu đồng, chị phải đi xe 30km mới tới cơ quan nắng gió chẳng quản ngại vất vả nhưng với số tiền của nhân viên y tế không bằng người giúp việc gia đình khiến mọi người xót xa. 

Chứng kiến cảnh đồng nghiệp xuống đường căng băng rôn đòi lương, một lãnh đạo Học viện Y học Cổ truyền trung ương cho biết ông đã ghi nhận và sẽ tiếp tục xin ý kiến từ các cấp lãnh đạo để xử lý chứ hiện tại chưa rõ hướng xử lý như thế nào. 

Cận Tết, y bác sĩ xuống đường đòi lương - 2
Họ bức xúc sau nhiều lần phản ánh không được trả lương.
Cận Tết, y bác sĩ xuống đường đòi lương - 3

Năm hết Tết đến, cực chẳng đã họ đành xuống đường để phản ánh.

Cận Tết, y bác sĩ xuống đường đòi lương - 4

Nhiều lần các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng cán bộ nhân viên chỉ nhận được lời hứa.

Trước đó, trả lời báo Vietnamnet, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên.

Như vậy, bệnh viện được tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước và Học viện. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ và chế độ tiền lương của viên chức, người lao động làm việc tại bệnh viện thực hiện theo Luật viên chức và pháp luật hiện hành.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch như thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu,…

Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II đạt 51,19% và quý III đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch. Chính vì vậy, nguồn thu của bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương.

Theo infonet.vietnamnet.vn