1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện thành "con nợ trăm tỷ" tiền chống dịch: Sở Y tế TPHCM nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, Sở đang làm việc với các bệnh viện liên quan đến công tác giải ngân tiền chống dịch, và vấn đề này được cho biết là "không nhỏ".

Sau bài viết phản ánh thực trạng nhiều bệnh viện (BV) tham gia điều trị Covid-19, quản lý các bệnh viện dã chiến ở TPHCM trở thành "con nợ" hàng chục, hàng trăm tỷ với các công ty dược, đơn vị cung cấp suất ăn… vì kinh phí từ ngân sách Nhà nước rót về chậm, PV Dân trí đã tiếp tục ghi nhận những ý kiến khác từ một số đơn vị có tham gia chống dịch.

Chi sạch quỹ dự phòng mấy năm cho chống dịch

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, đơn vị vừa thành lập khoa Covid-19 và quản lý BV dã chiến Củ Chi, tổng số tiền chống dịch mà nơi này đã chi ra từ đầu dịch đến giờ là hơn 80 tỷ đồng.

Từ lúc có kế hoạch xây dựng tòa mới, BV Nhi Đồng 1 đã dự trù lượng bệnh nhân sẽ giảm từ 30-50% nên cố gắng tích lũy nguồn kinh phí, dự phòng quỹ lương mấy năm nay. Khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chống dịch, với những khoản mà ngân sách Nhà nước chưa chi kịp, BV sẽ chủ động dùng nguồn quỹ của mình để lo trước, chờ lãnh lại tiền sau.

Sau mùa dịch kéo dài, quỹ phát triển sự nghiệp, quỹ dự phòng ổn định thu nhập đều gần như đã xài hết, khiến BV lâm vào cảnh "trắng tay".

"Mỗi chỗ một hoàn cảnh khác nhau. Ở nhóm bệnh nhi, số lượng ít hơn người lớn, thuốc men xài cũng ít hơn, nên tiền ít hơn và BV cũng đã lường trước khó khăn. Còn các cơ sở khác hơi khó" - lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 chia sẻ.

Bệnh viện thành con nợ trăm tỷ tiền chống dịch: Sở Y tế TPHCM nói gì? - 1

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cho hơn 80 tỷ đồng để phục vụ chống dịch (Ảnh: Hoàng Lê).

Còn lãnh đạo BV dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8 số 1 thông tin, BV không có tài khoản riêng mà mọi hoạt động thanh quyết toán, mua sắm đều thông qua UBND quận 8. Do đó, về cơ bản BV không lo lắng việc thiếu hụt kinh phí chống dịch.

Tuy nhiên, có thời điểm các công ty dược bị nợ tiền, nên một số thuốc điều trị Covid-19 cung ứng chậm. Riêng tiền phụ cấp cho nhân viên y tế chống dịch của BV mới được giải ngân tới tháng 9.

Bệnh viện chia sẻ, Sở Y tế giải quyết thế nào?

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, đơn vị quản lý BV dã chiến đa tầng quận Tân Bình cho biết, lúc đầu BV cũng có nợ tiền các công ty dược, vì vướng việc kinh phí chống dịch chưa về. Nhưng sau này, phía UBND quận Tân Bình đã tạo điều kiện hỗ trợ, cho ứng trước tiền, nên hiện tại BV đã "tạm" xoay xở được.

"Đến giờ phút này, tiền chống dịch BV nhận về và chi đều là tiền tạm ứng. Tất nhiên chưa đủ ngay, BV phải tìm cách điều tiết cho phù hợp. Không thể đòi hỏi ngân sách chuyển đủ trong một lần, vì nếu chi đủ tất cả các nơi lên đến hàng nghìn tỷ. Nhiều lắm, phải chia sẻ" - Giám đốc BV Thống Nhất nói.

Bệnh viện thành con nợ trăm tỷ tiền chống dịch: Sở Y tế TPHCM nói gì? - 2

Khoa điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại diện BV Nhi Đồng 2, đơn vị từng quản lý BV dã chiến số 11 và là nơi điều trị Covid-19 tầng cuối cho bệnh nhi nhận định, việc ngân sách chống dịch rót về chậm là tình hình chung mà hầu hết các đơn vị liên quan đều gặp phải.

"Theo tôi biết, Sở Y tế và UBND TPHCM đều nắm được và đang cố gắng hết sức hỗ trợ. Nếu có tiền, TPHCM đã chi ngay. Nhiều nơi khác, như ở tuyến quận còn khổ hơn nhiều, nên BV thông cảm và không có ý kiến gì" - nguồn tin nói.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở đang làm việc với các bệnh viện liên quan đến công tác giải ngân tiền chống dịch. Bà Mai chia sẻ trong tình hình hiện tại, vấn đề này "hơi căng" để giải quyết.

"Đây là vấn đề không nhỏ. Tất cả quy chế chi tiêu, thanh quyết toán thuộc về chức năng của Phòng Kế hoạch - Tài chính.

Các BV khó khăn thế nào, tạm ứng tài chính để chi cho chống dịch thế nào, phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính sẽ nắm bắt vấn đề để tham mưu cụ thể cho ban giám đốc" - bà Mai nói.

Trước đó như Dân trí đã thông tin, vì chưa được giải ngân hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chi phí chống dịch, một số bệnh viện ở TPHCM phải xuống nước "năn nỉ" các công ty tiếp tục cung ứng thuốc, vật tư điều trị, suất ăn… để lo cho bệnh nhân Covid-19.

Như Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), đơn vị hiện quản lý BV dã chiến số 3 và trong mùa dịch căng thẳng nắm nhiều khu cách ly, điều trị Covid-19 cho biết, tổng kinh phí chống dịch mà BV tiêu tốn đến nay khoảng 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước mới cấp cho BV 101 tỷ đồng. BV đã trình UBND TP Thủ Đức và Sở Y tế TPHCM xin cấp sớm 132 tỷ đồng để "trả nợ", nhưng không biết khi nào có.

Tại BV Nguyễn Tri Phương, tính đến cuối tháng 11, quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn nợ của BV 44 tỷ đồng. Còn tiền ngân sách Nhà nước chống dịch, BV đã báo chi phí 45 tỷ đồng, nhưng mới được rót về 11 tỷ.

Theo kế hoạch, đầu tháng 1/2022 BV Nguyễn Tri Phương sẽ được tạm ứng từ BHXH thêm 80 tỷ nữa, nhưng đến nay tiền cũ còn chưa về. Không có tiền, BV không biết lấy gì để lo cho 1.300 nhân viên khi sắp đến Tết cổ truyền và các hoạt động khác, nên tình hình rất căng thẳng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm