1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần chú trọng y tế tuyến dưới, phát triển kỹ thuật sửa dị dạng thai nhi

(Dân trí) - Đó là 2 trong số nhiều ý kiến quan trọng của PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam tại Hội nghị Phụ sản miền Trung mở rộng lần thứ V tổ chức tại TP Huế ngày 24/7.

Hội nghị diễn ra do Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam phối hợp với Hội Phụ sản Thừa Thiên – Huế tổ chức. Có sự tham dự của PGS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam; PGS.TS.Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ & trẻ em (Bộ Y tế) và hàng trăm bác sĩ, chuyên gia sản khoa miền Trung. Mục đích hội nghị là nhằm triển khai các hoạt động chuyên môn, cập nhật kiến thức mới, các vấn đề cần kíp về sản khoa cho y bác sĩ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa đồng nghiệp sản.

Theo ý kiến của GS.TS.Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y - Dược Huế, GĐ Bệnh viện ĐH Y - Dược Huế, Chủ tịch Hội Phụ sản Thừa Thiên – Huế, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam, trong thời gian qua vấn đề chăm sóc sức khỏe sản khoa ở khu vực miền Trung rất tốt. Việc sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, phát triển kỹ thuật chuyên sâu về sản rất được chú trọng. Việc vừa mới ra mắt 2 trung tâm về hỗ trợ sinh sản ở khu vực tại Bệnh viện ĐH Y – Dược Huế và BV Phụ sản y Đà Nẵng mang lại nhiều tín hiệu tốt cho bà mẹ, trẻ sơ sinh.

“Hiện tại ở trường ĐH Y – Dược Huế đã được Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình chọn là 1 trong 3 trung tâm trong cả nước về triển khai kỹ thuật sàng lọc trước và sau sinh đang cố gắng để phát triển nhiều thành tựu về y học sản, giúp cho các gia đình yên tâm. Tuy công việc rất lớn vì phụ trách đến 13 tỉnh thành phố nhưng chúng tôi không ngừng làm việc vì sản khoa là một nghề rất cao quý”, GS. Thành cho biết thêm.

Tuy là ngành có nhiều tiến bộ lớn khi điểm lại quá trình sản từ xưa đến nay, nhưng ngành đang phải đối diện rất nhiều vấn đề. GS. Thành đề xuất, cần quan tâm hơn đến chất lượng chăm sóc; các chỉ định mổ lấy thai lại, mổ thai cũ; và vấn đề sản khoa ở cơ sở nông thôn, miền núi hơn nữa.

Cần chú trọng y tế tuyến dưới, phát triển kỹ thuật sửa dị dạng thai nhi

Hội nghị đã ghi nhận rất nhiều ý kiến mới góp ý xây dựng về những điều cần làm và những mặt chưa đạt được về tình hình sản miền Trung - Tây Nguyên

PGS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị nhấn mạnh, miền Trung với vai trò nòng cốt là tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần cho thành công của ngành y tế đất nước. Trong năm nay, Việt Nam là 1 trong 9 nước trên thế giới giảm tỷ lệ bà mẹ tử vong khi sinh và tỷ lệ trẻ thấp còi nhanh, hiệu quả.

“Sản khoa hiện có một điểm mạnh rất lớn là lôi kéo các ngành khác về với mình. Như ngành mô phôi, chẩn đoán hình ảnh – hình thái học thai nhi, di truyền, ung thư. Một vấn đề rất mới, tiên tiến để ngành sản phát triển hơn là phải chú ý đến các thai bị dị dạng dị tật. Ví dụ như trẻ bị sứt môi, nếu được chẩn đoán sâu hạn chế dị tật, phẫu thuật ngay khi còn đang ở trong bụng mẹ thì trẻ sinh ra sẽ hoàn hảo, bố mẹ sẽ rất quý về y bác sĩ đã giúp con mình được bình thường.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải cố gắng ở những việc như sót tiểu, sàng chậu vì tình hình các bệnh lý này đang rất yếu, hời hợt. Hiện ngành sản ở miền Trung rất gian khổ, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Chúng ta phải lưu tâm sâu hơn nữa đến y tế cơ sở. Nhiều trường hợp tử vong đau lòng ở tại cơ sở mà đáng lẽ đã không xảy ra vì không phát hiện bệnh sớm. Việc tư vấn sức khỏe sinh sản chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, khi xảy ra sự cố thì nỗi bức xúc của gia đình vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng” – Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng lưu ý đến sự bất cập trong mổ lấy thai. Có đến 50% trường hợp người nhà yêu cầu mổ lấy thai. Việc này do người nhà nghĩ sinh mổ tránh được nguy hiểm, đau đớn và bác sĩ suy nghĩ nếu sinh mổ thì ít tai biến hơn sinh đẻ. Cho nên tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng lên nhiều.

Tuy tránh được bất lợi là ít đau đớn hơn so với sinh đẻ, nhưng sản phụ thường bị nhau cài răng lược nhiều, gây nên tình trạng chảy máu nhiều, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng người mẹ ngay trên bàn mổ. Đây là do hậu quả của mổ lấy thai nhiều. Do đó, các y bác sĩ nên phải tư vấn kỹ cho các gia đình hiểu cần phải sinh thường nếu sinh được.

Một sự kiện rất “nóng” vừa được biết đến là luật cho phép mang thai hộ ở Việt Nam sẽ được triển khai trong thời gian tới. Thứ trưởng Tiến cho rằng đây là một điều rất mừng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn có con với gen di truyền của mình. Ngoài ra, một số tỉnh thành đang giảm tỷ lệ sinh, cũng cần phải nghĩ đến đẩy mức sinh lên.   

30 báo cáo viên với nhiều vấn đề thời sự sản khoa được trình bày trong Hội nghị xoáy sâu về các lĩnh vực như: Phẫu thuật nội soi, khối u, nội tiết, vô sinh, chẩn đoán tiền sản, sản khoa, sơ sinh. Các đề tài đáng chú ý là: Vô kinh: cập nhật chẩn đoán và điều trị (GS.TS.Cao Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hội Phụ sản khoa và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam); Cập nhật về xử trí trong viêm gan siêu vi B và thai kỳ (PGS.TS.Vũ Thị Nhung - Hội Sản Phụ khoa TP HCM); Cập nhật về chuyển phôi đông lạnh cho bác sĩ Sản Phụ khoa (Th.s. Hồ Mạnh Tường, Khoa Y, ĐH Quốc gia TP HCM); Xử trí băng huyết sau sinh (TS.BS. Lê Minh Toàn, BV Trung ương Huế); Khởi chuyển phát dạ bằng prostaglandin (Th.s.BS. Lê  Quang Thanh, BV Từ Dũ, TP HCM); Mô hình sàng lọc liên tiếp trisomy 21 ở quý I phối hợp siêu âm, sinh hóa và xét nghiệm cell free DNA máu mẹ (Th.s.BS.Hà Tố Nguyên, BV Từ Dũ, TP HCM); Hội chứng khô âm đạo và giải pháp khắc phục (PGS.TS. Vương Tiến Hòa, Trường ĐH Y Hà Nội); Xét nghiệm HPV trong sàng lọc ung thư cổ tử cung: cập nhật 2014 (PGS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trường ĐH Y - Dược Huế)…


Đại Dương