1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần biết dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19

Nam Phương

(Dân trí) - Sau tiêm vắc xin Covid-19, nếu có một trong các dấu hiệu nghi ngờ (đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp) người dân cần được khám sàng lọc viêm cơ tim. Đây là biến chứng hiếm gặp mới được báo cáo gần đây.

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, viêm cơ tim/màng tim cấp sau tiêm vắc xin Covid-19 mới được ghi nhận gần đây trong báo cáo của các Cơ quan Phòng chống bệnh tật, cơ quan Quản lý Dược và Tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại châu Âu, Hoa kỳ và một số nước khác.

Viêm cơ tim cấp (có hoặc không kèm viêm màng ngoài tim cấp) là một trong những biến chứng quan trọng sau khi tiêm vắc xin Covid-19, bao gồm nhóm biến chứng liên quan đến phản vệ; nhóm biến chứng liên quan đến đông-chảy máu (như hội chứng giảm tiểu cầu/huyết khối sau tiêm vắc xin) hay nhóm biến chứng liên quan đến viêm cơ tim/màng tim.

Cần biết dấu hiệu nghi ngờ viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19 - 1

Bộ Y tế khẳng định, so sánh tổng thể lợi ích với nguy cơ thì việc tiêm vắc xin Covid-19 là cần thiết, ưu thế vượt trội, và trở thành một cứu cánh giúp thoát khỏi đại dịch.

Viêm cơ tim/màng tim cấp sau tiêm vắc xin là biến chứng hiếm gặp, được ghi nhận sau khi tiêm hầu hết các loại vắc xin Covid-19 (Pfizer BioNTech, Moderna, AstraZeneca hay Janssen). Hiện chưa rõ cơ chế bệnh sinh, mặc dù phản ứng quá mẫn muộn được cho là cơ chế quan trọng (tương tự hiện tượng viêm cơ tim sau tiêm các vắc xin thông thường).

Tình trạng này hầu hết gặp ở người trẻ tuổi, nam giới nhiều hơn nữ, phần lớn gặp sau mũi tiêm lần hai (hoặc sau mũi tiêm lần đầu ở người có tiền sử mắc Covid-19) và đa phần được phát hiện và điều trị khỏi trung bình sau 2-4 ngày.

Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển bất thường thành các dạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cần cảnh giác khi xuất hiện một trong các biểu hiện đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim để được sàng lọc, thăm khám và theo dõi kịp thời.

Biểu hiện lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng xuất hiện thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19, dù có thể gặp sớm (12 giờ sau tiêm) hơn hoặc muộn hơn, bao gồm:

- Đau ngực: Kiểu đau thắt chẹn vùng sau xương ức, ngực trái hoặc phải, hoặc kiểu đau rát bỏng thay đổi theo nhịp hô hấp hoặc tư thế.

- Khó thở: Tình trạng khó thở ở các mức độ khác nhau, từ khó thở nhẹ khi gắng sức đến khó thở thường xuyên hoặc khó thở dữ dội, tương ứng với mức độ nặng của suy tim.

- Rối loạn nhịp tim: Cảm giác tim đập nhanh/chậm bất thường, hoặc hồi hộp trống ngực do các dạng rối loạn nhịp tim khác nhau.

- Khám lâm sàng có thể không thấy dấu hiệu gì đặc biệt hoặc chỉ có tiếng cọ màng ngoài tim. Có thể có sốt hoặc không.

- Viêm cơ tim/màng ngoài tim cấp thường đáp ứng tốt với điều trị và thoái triển sau 3-5 ngày, song cũng có thể trở nặng thậm chí nguy kịch bất thường.

- Dấu hiệu nặng/nguy kịch bao gồm những biểu hiện của các tình trạng như phù phổi cấp, suy tim cấp, tràn dịch màng tim gây ép tim, sốc tim, các rối loạn nhịp nhanh/chậm phức tạp, ngất/thỉu thậm chí đột tử. Khi đó sẽ có các biểu hiện tương ứng với suy tim hoặc rối loạn nhịp tim ở các mức độ vừa-nặng như mạch nhanh, không đều hoặc rất chậm, nghe tim có tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi T3, ran ẩm ở phổi, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, huyết áp tụt/kẹt, đầu chi lạnh ẩm nổi vân tím (khi có sốc tim)...

Tất cả người dân sau tiêm vắc xin Covid-19 có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ (đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp) cần được thăm khám để loại trừ viêm cơ tim và/hoặc viêm màng tim cấp. Người dân cần thông báo tới đường dây nóng, hoặc đến bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn và thăm khám.

Người bệnh được chẩn đoán viêm cơ tim, viêm màng tim cấp cần được điều trị và theo dõi sát (để phát hiện các bệnh cảnh nặng/nguy kịch) tại cơ sở y tế có đủ khả năng hồi sức cấp cứu tim mạch.

Đồng thời, cần chuyển tuyến đến các bệnh viện chuyên khoa tim mạch khi có các biểu hiện nặng/nguy kịch.

Hiện chưa có điều trị đặc hiệu cho viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim cấp sau tiêm vắc xin Covid-19, chủ yếu là giảm đau chống viêm, sẵn sàng điều trị hỗ trợ hô hấp-tuần hoàn khi có các diễn biến nặng hoặc nguy kịch như phù phổi cấp, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim phức tạp, sốc tim hay tràn dịch màng tim ép tim..

Đối với người đã viêm cơ tim/màng ngoài tim sau tiêm vắc xin Covid-19, nếu cần tiêm vắc xin Covid-19 thì nên lựa chọn loại khác cơ chế tác dụng. 

Đến tháng 6/2021, số liệu từ Ủy ban Y tế châu Âu (EMA) ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim cấp và viêm màng ngoài tim cấp lần lượt là 0,76 và 0,79 phần triệu với vắc xin của Pfizer BioNTech (122 trường hợp viêm cơ tim/126 trường hợp viêm màng tim cấp/160 triệu liều); 0,84 và 0,95 phần triệu với vắc xin của Moderna (16 trường hợp viêm cơ tim/18 trường hợp viêm cơ tim/19 triệu liều), 0,95 và 1,2 phần triệu với vắc xin của AstraZeneca (38 trường hợp viêm cơ tim/47 trường hợp viêm cơ tim/40 triệu liều) và 0,0 và 0,5 phần triệu với vắc xin của Janssen (không trường hợp viêm cơ tim/một trường hợp viêm cơ tim/2 triệu liều).

Số liệu của Bộ Y tế Israel ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 5 phần triệu (27 ca/5,4 triệu liều) sau khi tiêm mũi đầu và 24,2 phần triệu sau khi tiêm mũi thứ hai (121 ca/5 triệu liều) trong vòng 30 ngày sau tiêm vắc xin loại mRNA. 

Số liệu từ CDC Hoa Kỳ ghi nhận tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 5,7 phần triệu (khoảng 1000 ca/177 triệu liều vắc xin mRNA của Pfizer- BioNTech hoặc Moderna).