Căn bệnh ung thư dễ điều trị nhưng khó phát hiện sớm

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi.

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới

Tuyến giáp là tuyến nội tiết hình cánh bướm nằm ở cổ, có vai trò điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, có thể gây ra các bệnh cường giáp, suy giáp, đa nhân tuyến giáp, u bướu lành tuyến giáp và ung thư tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất, chiếm 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết.

Căn bệnh ung thư dễ điều trị nhưng khó phát hiện sớm - 1

Tỷ lệ mắc bệnh lý tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới 3-10 lần. Tại Việt Nam, theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên 4,6 triệu người mắc u nhân tuyến giáp, trong đó, có 2% là u ác tính. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nam giới.

Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Phụ nữ phải trải qua những biến động trong nội tiết tố ở các thời kỳ và giai đoạn khác nhau như: trong chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, sau khi sinh và thời kỳ mãn kinh, tiền sử thai nghén, sử dụng liệu pháp hormone hay căng thẳng trong cuộc sống... Những thay đổi này đều có tác động tới hormone tuyến giáp, vì thế làm tăng nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.

Những nguyên nhân chính gây ung thư tuyến giáp

Bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi. Tuy nhiên, đối với phần lớn bệnh nhân vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể nào gây ra ung thư tuyến giáp. 

Phơi nhiễm bức xạ liều cao ở thời niên thiếu làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Trước năm 1960, điều trị bằng tia X khá phổ biến trong ung thư vú, bệnh hạch ác tính Hodgkin, bệnh trứng cá, viêm amidan. Nếu vùng cổ của bệnh nhân không được che chắn cẩn thận thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp là khá cao. Tuy vậy, những xét nghiệm thông thường như chụp X-quang hàm mặt, X-quang ngực, nhũ ảnh (mammography) không gây ung thư tuyến giáp. 

Ở những vùng xảy ra thảm họa hạt nhân như Chernobyl (Nga) và Fukushima (Nhật Bản), trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao nhất sau một vài năm. Tuy nhiên, thậm chí người lớn cũng có thể mắc ung thư tuyến giáp sau 40 năm. 

Ung thư tuyến giáp khó phát hiện sớm

Ung thư tuyến giáp là loại bệnh có diễn tiến rất chậm. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng đặc biệt, chỉ được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm vùng cổ qua khám sức khỏe định kỳ. Nhiều bệnh nhân chủ quan do bệnh không gây khó chịu, đến lúc bị khó thở, khó nuốt, khàn tiếng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.

Thông thường, các bệnh nhân đến khám bệnh vì tự sờ thấy có một cục nhỏ ngay dưới da vùng cổ. Trong cộng đồng, khoảng 80 đến 90% dân số có thể tự sờ được một cục u như vậy ở vùng cổ. Nhưng chỉ có gần 2% trong số đó mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Khoảng 95% ung thư tuyến giáp là loại có tiên lượng rất tốt, có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến giáp có tiên lượng rất tốt

Theo các chuyên gia, nhìn chung tiên lượng của ung thư tuyến giáp là rất tốt, đặc biệt là ở những bệnh nhân dưới 45 tuổi và có u kích thước nhỏ. 

Bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú như xâm lấn ra ngoài phạm vi tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất. Thông thường, thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân trong vòng 10 năm là 100%, tỷ lệ chết do bệnh ung thư tuyến giáp là rất thấp. 

Đối với bệnh nhân trên 45 tuổi, u kích thước lớn và xâm lấn thì tiên lượng vẫn khá tốt tuy nhiên tỷ lệ tái phát ở nhóm này cũng khá cao. Tiên lượng thường không tốt đối với bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn và điều trị I-131 bổ trợ. Tuy vậy, bệnh nhân có thể sống trong thời gian dài mặc dù vẫn có tâm lý nặng nề là người mang bệnh ung thư. Một điều cũng rất quan trọng nữa là bệnh nhân cần phải phối hợp với bác sĩ để theo dõi chặt chẽ sau khi điều trị.

Ung thư tuyến giáp được điều trị như thế nào?

Phẫu thuật là phương pháp quan trọng bậc nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định trên người bệnh tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể giải phẫu bệnh lý và một số yếu tố nguy cơ khác. Một số cách thức phẫu thuật bao gồm cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp vét hạch cổ, cắt tuyến giáp gần toàn bộ, cắt một thùy tuyến giáp và eo giáp...

Điều trị i-ốt phóng xạ là phương pháp giúp tiêu diệt nốt những tế bào ung thư tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, được chỉ định dựa trên kích thước u, mức độ xâm lấn, tình trạng di căn hạch, nồng độ các chất chỉ điểm ung thư tuyến giáp sau mổ…

Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ, bệnh nhân sẽ cần được bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp, được sử dụng phổ biến nhất là levothyroxine. Một bộ phận trong số các bệnh nhân cắt một thùy tuyến giáp cũng cần bổ sung hormone này, chiếm tỷ lệ khoảng 20%.

Xạ trị ngoài và hóa trị có hiệu quả không cao trong điều trị phần lớn ung thư tuyến giáp. Hóa trị có thể được chỉ định khi bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh ở giai đoạn di căn xa, hoặc trên các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.