1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế tuyến dưới

(Dân trí) - Sau hơn 7 tháng thực hiện theo đề án 1816, có hơn 53.000 lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp khám bệnh, 795 ca phẫu thuật thực hiện tại chỗ, góp phần giảm tải 30% cho tuyến trên.

Đó là một trong những thành tựu nổi bật mà đề án 1816 mang lại cho ngành y tế được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên báo cáo tại hội nghị “Tổng kết công tác khám chữa bệnh năm 2008 và định hướng kế hoạch hoạt động 2009” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/4.

Nhiều kỹ thuật phức tạp được chuyển giao

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 59 bệnh viện cử cán bộ luân phiên xuống khám chữa bệnh cho người dân, với 1.246 lượt cán bộ đi luân phiên, trong đó 835 lượt cán bộ thuộc bệnh viện TƯ, còn lại là cán bộ các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Có 57 tỉnh, thành phố được nhận cán bộ y tế tuyến trên xuống hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, chủ yếu là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Về chuyên môn, có 20 chuyên ngành đã được chuyển giao xuống địa phương, gồm nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, ung thư, nội tiết, yhọc cổ truyền, tai mũi họng… giúp người dân được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, chính xác hơn.
 
“Cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế tuyến dưới - 1
BS bệnh viện đa khoa Lâm Đồng hướng dẫn BS Trung tâm y tế huyện Đức Trọng
phẫu thuật gãy xương cẳng tay cho bệnh nhân

Ông Bùi Đức Phú, Giám đốc BVTƯ Huế cho biết, ngay từ khi thực hiện theo đề án này, BV đã thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” nhằm nâng cao tay nghề cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Những nỗ lực của các y bác sĩ cuối cùng cũng đem lại thành quả. Tính từ đầu tháng 9/2008 đến nay, Bệnh viện đã tổ chức 20 đoàn cán bộ luân phiên công tác chia làm 5 đợt tăng cường cho các bệnh viện tỉnh. Các cán bộ BVTW Huế đã giúp các bệnh viện tỉnh hoàn thiện nhiều quy trình chẩn đoán điều trị, triển khai được nhiều kỹ thuật mới, giải quyết được nhiều trường hợp bệnh khó, cứu sống được nhiều bệnh hiểm nghèo... ngay tại tuyến y tế cơ sở.

“Qua hoạt động tăng cường cán bộ về tuyến tỉnh, Bệnh viện TƯ Huế đã chuyển giao cho các bệnh viện hơn 120 loại kỹ thuật phức tạp mà trước đây các bệnh viện tuyến tỉnh chưa tự thực hiện được như kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm ở trẻ em; phẫu thuật nội soi tắc ruột do dính sau mổ; Thay khớp háng Bipolar trong điều trị gãy cổ xương đùi; Cắt dạ dày trong ung thư dạ dày; phẫu thuật nội soi tiêu hoá: cắt túi mật qua nội soi, cắt ruột thừa qua nội soi; phẫu thuật các khối u đại tràng, cắt đại tràng cấp cứu... Và trong thời gian thực hiện đề án, các bác sĩ cũng đã khám cho khoảng 21.000 bệnh nhân ở y tế tuyến tỉnh. Qua đó, giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên từ 20 - 30%...”, ông Bùi Đức Phú vui mừng thông báo.

Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay sau lễ ra quân ngày 19/08/2008, bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 38 cán bộ chuyên môn về hỗ trợ 4 bệnh viện tuyến dưới. Sau 8 tháng tiến hành đề án, bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện 12 đợt luân phiên đã cử 222 cán bộ của 27 chuyên khoa về hỗ trợ 8 bệnh viện tuyến dưới, chuyển giao được 217 kỹ thuật, đào tạo được 605 cán bộ, trực tiếp cùng với bác sĩ tuyến dưới điều trị và phẫu thuật nhiều bệnh nhân. Chất lượng khám chữa bệnh và trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới ngày càng cải thiện, số lượng bệnh nhân chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy giảm dần.

Bệnh viện Đa khoa Lai Châu cũng là một nơi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bệnh viện tuyến trung ương trong việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở. Tình trạng thiếu bác sĩ ở tỉnh Lai Châu rất trầm trọng. Tính riêng năm 2009, toàn tỉnh theo cơ cấu còn thiếu 190 bác sỹ, chính vì thế mà ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều trị, chăm sóc cho nhân dân.

Nhờ có đề án 1816, một số phương pháp phẫu thuật khó, mới như phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng, túi mật, phẫu thuật Longo trong điều trị bệnh trĩ, phương pháp GMPT cho trẻ em và người cao tuổi, một số phương pháp trong phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật chấn thương và phẫu thuật tiết niệu... đã trở thành phẫu thuật thường quy tại bệnh viện Lai châu.

Vẫn là vấn đề nhân lực

Hiệu quả mà đề án 1816 mang lại đã thấy rõ, đó là chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới có chuyển biến rõ rệt. Nhiều bệnh viện đa khoa của các tỉnh thành đã từng bước làm chủ được các kỹ thuật do bệnh viện tuyến trên chuyển giao. Tình trạng người bệnh phải chuyển lên tuyến TƯ giảm 30%.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án này cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo báo cáo của hầu hết các bệnh viện tuyến trên cho thấy, hầu như các bệnh viện cả tuyến trên và tuyến dưới đều rất thiếu nguồn nhân lực.

Theo ông Bùi Đức Phú, mặc dù bệnh viện TƯ Huế có một đội ngũ cán bộ tay nghề cao nhưng để vừa đảm các dịch vụ chất lượng cao của bệnh viện, vừa đảm bảo hoạt động của đề án 1816 cũng là một thách thức lớn.

Nhất là ở tuyến cơ sở, rất thiếu nguồn nhân lực Một số bệnh viện yêu cầu hỗ trợ thì cao nhưng khi được bác sĩ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật thì lại không đủ nhân lực để nhận chuyển giao. Chưa kể trang thiết bị còn thiếu thốn và không đồng bộ, cơ sở vất chất có nơi xuống cấp nghiêm trọng. Do đó hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong một số lĩnh vực do đó còn hạn chế. Nhiều trường hợp, khi cán bộ tuyến trên cử đến nhưng không thể triển khai chuyển giao kỹ thuật như kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của một số bệnh viện, việc chuyển giao kỹ thuật mới cũng gặp khó khăn bởi chính ý thức của bác sĩ tuyến dưới.  Một số cán bộ chưa thật sự muốn tiếp nhận kỹ thuật mới. Vẫn có tư tưởng thích được “làm thay”, “cầm tay chỉ việc” cũng như chưa tự tin vào khả năng của mình. Vì thế, bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra kiến nghị, trước khi nhận chuyển giao kỹ thuật, cán bộ tuyến dưới lên bệnh viện Chợ Rẫy để được đào tạo từ 1 - 3 tháng. Sau đó bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy và bác sĩ được đào tạo cùng về địa phương triển khai kỹ thuật mới. Đồng thời sau khi chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện tuyến dưới tự làm được, BV Chợ Rẫy sẽ cấp giấy chứng nhận cho cá nhân nhận chuyển. Điều này sẽ khiến bác sĩ tự tin hơn, người dân cũng tin tưởng hơn vào tay nghề bác sĩ để không vượt tuyến lên trung ương.

Hồng Hải