Đồng Tháp:

Cảm phục người phụ nữ “áo trắng” giỏi việc “làm dâu trăm họ”

(Dân trí) - Luôn biết vượt qua khó khăn, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp và hết lòng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân… là tố chất và tấm lòng y đức của nữ điều dưỡng Trưởng Lê Ngọc Minh Nguyệt đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Hạnh phúc gia đình sớm đổ vỡ

Suốt gần 30 năm gắn bó với ngành y tế huyện Tam Nông, cử nhân-điều dưỡng Minh Nguyệt đã vinh dự được 03 lần tặng thưởng danh hiệu “chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, 02 Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp, 09 năm liền đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” và nhiều Giấy khen cùng danh hiệu cao quý của Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp, UBND huyện Tam Nông. 

Cử nhân Minh Nguyệt cũng đang được lãnh đạo đề nghị Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen. Đây là niềm vinh dự và niềm tự hào của chị Minh Nguyệt sau nhiều năm vượt khó, tận tâm phấn đấu vì nhiệm vụ cứu người, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân…

Điều dưỡng Lê Ngọc Minh Nguyệt, sinh năm 1966, quê ở tận huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Do gia cảnh khó khăn nên mẹ chị Nguyệt đã dẫn dắt các con đến huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp làm ăn, lập nghiệp. Nhà nghèo, lại là chị lớn trong một gia đình đông con nên Minh Nguyệt phải lo quán xuyến mọi công việc trong nhà, phụ mẹ buôn bán trái cây ở chợ An Long và làm thợ thêu khăn tay, âu phục… kiếm thu nhập nuôi 04 đứa em còn nhỏ dại.

Cảm phục người phụ nữ “áo trắng” giỏi việc “làm dâu trăm họ”

Từ nhỏ, Minh Nguyệt luôn có ước mơ làm thầy thuốc để cứu người và khi hay tin địa phương có mở lớp đào tạo nghề y tá, Minh Nguyệt liền thuyết phục mẹ để được tham dự khóa học này. Lê Ngọc Minh Nguyệt chia sẻ: “Lúc đầu tôi và mẹ đều lo lắng vì không có tiền nuôi tôi đi học và nếu tôi đi học thì mất thu nhập từ tiền thuê mướn để trang trải chi phí trong gia đình. Khi đó, tôi nói với mẹ rằng: Con đi học để tìm một nghề căn bản nuôi sống bản thân và phụ giúp mẹ nuôi em. Lớp sơ cấp Y tá này phù hợp với trình độ của con, lớp học lại gần nhà dễ dàng cho chi phí học tập. Con đi học có tiền ăn của Nhà nước nuôi, con sẽ tìm các tiệm may quần áo nhận đồ thêu để kiếm tiền thêm… Và mẹ tôi rất ủng hộ!”

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp y tá, Minh Nguyệt được phân công làm việc tại khoa ngoại Bệnh viện huyện Tam Nông. Công tác được vài tháng, y tá Nguyệt đã quen biết và kết duyên với anh Nguyễn Phước Thọ - nhân viên Công ty Dược huyện Tam Nông. Hai người chung sống với nhau và đã có một đứa con gái xinh đẹp. Hạnh phúc trong tình yêu đã làm cho Minh Nguyệt đẹp hẵn lên. Ngoài giờ làm việc ở Bệnh viện, Nguyệt luôn quấn quýt bên chồng và chăm sóc, nuôi dạy con gái. Những tưởng hạnh phúc ấy sẽ được dài lâu cho đến ngày “răng long-đầu bạc”, nào ngờ những tươi đẹp của tháng năm đầu chung sống dần dần rạn nứt trong lòng Nguyệt, do người chồng sa đà vào những thói hư, tật xấu… Cuối cùng, cuộc tình ấy đã bị “giữa đường gãy gánh”.

Y tá Nguyệt tâm sự: “Tôi ly hôn lúc con tôi 8 tuổi học lớp 3. Lúc đó, tôi rất đau khổ, chán ngán cuộc sống lắm. lúc nào nhìn cuộc đời tối thui, là ngõ cụt. Được sự động viên của gia đình và tôi nhìn từ mẹ tôi, nhìn từ nghề nghiệp của tôi, tôi nghĩ sống phải có ý nghĩa, có mục đích… Từ đó tôi đã nhanh chóng vượt nỗi buồn đau đó để chuyên tâm vào nghề và nuôi con”.

Vừa học, vừa làm và một mình nuôi con

Vượt qua nỗi đau về đường tình duyên lận đận, khắc phục khó khăn về gia cảnh… Minh Nguyệt đã lao vào nghề với một ý chí kiên cường và nhiệt huyết. Chị Nguyệt vừa làm việc, vừa một mình chăm con. Trong giai đoạn khó khăn nhất là lúc một thân-một mình Minh Nguyệt vừa phải chăm lo nuôi dạy đứa con gái nhỏ của mình-vừa phải làm tốt công việc của một người điều dưỡng là chăm sóc sức khỏe của người bệnh mà mọi người thường ví von: nghề điều dưỡng là “nghề làm dâu trăm họ”! Bằng lòng kiên nhẫn, bản lĩnh chịu khó tìm tòi, học hỏi và nghị lực phấn đấu không ngừng, Minh Nguyệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Minh Nguyệt bày tỏ: “Điều dưỡng là “làm dâu trăm họ mà lại làm dâu cho mẹ chồng lúc ốm đau” thì càng khó hơn. Nhưng khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế nhất là ngành điều dưỡng thì phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức; không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Những người chấp nhận “làm dâu trăm họ” như chị em điều dưỡng chúng tôi phải thông cảm chịu khó phải xem người bệnh đau đớn như người thân của mình thì mới phục vụ tốt bệnh nhân được”.

Với mong muốn được trang bị kiến thức chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ngày càng cao, y tá Minh Nguyệt vừa làm việc-vừa theo học và tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2002, tốt nghiệp Trung cấp y tế tỉnh Đồng Tháp năm 2004. Công tác được 5 năm, Minh Nguyệt quyết định đi thi và đậu vào học lớp cử nhân y tế cộng đồng tại Trường Đại học Y tế công cộng ở Hà Nội. Trong 04 năm miệt mài đèn sách, dưới mái giảng đường Đại học thì có 03 năm Minh Nguyệt đạt kết quả học tập loại khá và 01 năm đạt loại giỏi.

Nữ điều dưỡng Minh Nguyệt đang báo cáo đề tài khoa học tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông
Nữ điều dưỡng Minh Nguyệt đang báo cáo đề tài khoa học tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông

Hoàn thành khóa học năm 2013, cử nhân Lê Ngọc Minh Nguyệt ra trường trở lại làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Công tác không lâu, cử nhân Minh Nguyệt đã được phân công giữ chức vụ Điều dưỡng Trưởng Bệnh viện Đa khoa huyện. Đây là một trọng trách khá nặng nề đối với một cử nhân mới ra trường! Tuy nhiên, với tinh thần đầy trách nhiệm của một nữ điều dưỡng không ngại khó khăn-gian khổ; luôn thực hiện chức trách của một quản lý, điều hành và có nhiều lúc trực tiếp chăm sóc người bệnh nên Minh Nguyệt phải thường xuyên học tập nâng cao tay nghề, tích lũy thêm kinh nghiệm, chủ động sáng tạo, tổ chức sắp xếp công việc khoa học-hợp lý, tìm ra hướng đi nhanh, đúng và hiệu quả nhất cho mình và đồng nghiệp… Từ đó, Minh Nguyệt luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ngày càng có hiệu quả hơn, cử nhân Minh Nguyệt còn tích cực tìm hiểu và tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2005 đến nay, cử nhân Minh Nguyệt đã có 07 đề tài nghiên cứu khoa học mang tính khả thi cao, được Hội đồng khoa học Sở y tế tỉnh Đồng Tháp đánh giá rất cao. Trong đó, có các đề tài về “Khảo sát sử dụng thuốc hợp lý an toàn của điều dưỡng năm 2006”, “Thực trạng kỹ năng chăm sóc bằng thuốc của điều dưỡng năm 2013”, “Đánh giá hiệu quả các giải pháp nâng cao kỹ năng chăm sóc bằng thuốc của điều dưỡng năm 2014”

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông nhận xét: “Điều dưỡng Trưởng Lê Ngọc Minh Nguyệt có một hoàn cảnh rất đặc biệt và là người có một ý chí tiến thủ rất cao. Nguyệt đã công tác tại Bệnh viện huyện Tam Nông từ những năm đầu tái lập huyện. Lúc đó, Nguyệt là nữ hộ sinh; sau này chuyển sang làm điều dưỡng. Sau khi ly hôn chồng, một mình Nguyệt bươn chải trong cuộc sống, vừa nuôi con vừa phấn đấu học tập, nâng caao trình độ chuyên môn để phục vụ, chăm sóc tốt cho sức khỏe nhân dân là điều đáng khen ngợi Chính điều này làm cho anh chị em điều dưỡng ở Bệnh viện đều mến phục và yêu quý đồng chí Minh Nguyệt”.

Giờ đây nữ điều dưỡng Trưởng Minh Nguyệt hiện đang có cuộc sống đầm ấm với đứa con gái duy nhất của mình tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Con gái chị Nguyệt cũng đang nối nghiệp mẹ làm nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông và con rễ chị Nguyệt hiện là bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa huyện Tam Nông! 

Trọng Trung - Nguyễn Hành