1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảm lạnh thông thường: Khi nào gây biến chứng viêm tai, viêm phổi?

Tú Anh

(Dân trí) - Cảm lạnh là bệnh rất phổ biến ở trẻ. Trẻ dưới 6 tuổi trung bình bị 6-8 đợt/năm với triệu chứng khoảng 7- 14 ngày. Trẻ đi mẫu giáo dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ chăm sóc tại nhà.

Cảm lạnh do virus gây ra, dễ lây bệnh

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em.

"Tuy nhiên, cảm lạnh không phải do tiếp xúc với khí hậu lạnh, không khí lạnh như nhiều người nhầm tưởng. Cảm lạnh do nhiều loại virus gây nên, trong đó Rhinovirus là thủ phạm hàng đầu, ngoài ra còn do virus khác như: Enterovirus và Coronavirus... ", TS Duy cho biết.

Cảm lạnh thông thường: Khi nào gây biến chứng viêm tai, viêm phổi? - 1

Bệnh cảm lạnh gây sốt cao, chỉ điều trị triệu chứng, không tùy tiện dùng kháng sinh (Ảnh minh họa: Tú Anh).

Do tác nhân gây nên là virus, nên trẻ có thể bị cảm lạnh nhiều lần trong năm, ở bất cứ thời điểm nào. Thông thường, trẻ em dưới 6 tuổi trung bình bị 6-8 đợt/năm với triệu chứng khoảng 7- 14 ngày. Trẻ đi mẫu giáo dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ chăm sóc tại nhà.

Ở lứa tuổi lớn hơn, từ tiểu học, trẻ ít bị cảm lạnh hơn do đã có hệ miễn dịch tốt hơn.

Bệnh cảm lạnh dễ lây từ người này sang người khác bằng tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với virus trong môi trường, thường lây trong 2-4 ngày đầu.

Triệu chứng cảm lạnh

Sau 1- 2 ngày tiếp xúc với nguồn lây trẻ thường bị nghẹt mũi, có thể sổ mũi nước trong, vàng hoặc xanh và sốt 3 ngày đầu của bệnh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác như đau họng, ho, quấy, khó ngủ, và ăn kém.

Thường các triệu chứng bệnh sẽ giảm dần và khỏi sau 2 tuần. Một số trẻ có thể bị kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, đặc biệt trong mùa thu và mùa đông. Đây không phải là nguyên nhân đáng lo ngại, nếu không có bất kỳ những triệu chứng nghiêm trọng nào.

Có thể gây biến chứng nguy hiểm

Cảm lạnh đa phần là lành tính, trẻ thường tự khỏi bệnh sau vài ngày đến 2 tuần, bố mẹ chỉ cần chăm sóc triệu chứng.

Cụ thể, sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol 10 - 15mg/kg /1 lần, không quá 4 lần trong 24h khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C.

Sử dụng nước muối vệ sinh mũi cho trẻ. Ngoài ra, mật ong có thể giúp giảm triệu chứng ho ban đêm ở trẻ trên 12 tháng. Cho trẻ uống đủ nước, tránh nước có ga. Vitamin C có thể làm giảm thời gian bị bệnh.

"Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi trẻ bị cảm lạnh, bởi kháng sinh không hiệu quả với căn bệnh này. Chỉ được sử dụng kháng sinh khi có triệu chứng bội nhiễm vi trùng, như viêm tai, viêm phổi, hoặc viêm xoang", TS Duy khuyến cáo.

Tuy nhiên, ở một số trẻ, cảm lạnh có thể gây biến chứng như: Viêm tai, viêm tiểu phế quản, viêm xoang hoặc nặng hơn là viêm phổi.

Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm:

- Bỏ ăn.

- Thở nhanh hoặc khó thở.

- Kích thích quấy khóc nhiều.

- Sốt cao từ 38.5 độ C trên 3 ngày.

- Nghẹt mũi nặng hơn hoặc không cải thiện sau 7 ngày.

- Mắt đỏ hoặc vàng hơn.

- Triệu chứng của viêm tai (đau, chảy dịch, ù tai).

Khi trẻ có một trong các triệu chứng trên cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm nhất.