1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấm hoàn toàn rượu tự nấu?

(Dân trí) - Rất nhiều ý kiến nhất trí rằng phải có luật để hạn chế sự tràn lan của hàng trăm loại loại rượu, bia trên thị trường như hiện nay. Có người cho rằng nên cấm triệt để tất cả các loại rượu tự nấu.

Tai họa theo sau bia, rượu

Theo TS Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế, cho biết: Trong 2 năm tiến hành điều tra về tình trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ và sản xuất bia rượu gia tăng rất nhanh, riêng sản lượng bia đã đạt gần 1,5 tỷ/lít năm và sẽ tiếp tục gia tăng 8%-10% mỗi năm; sản lượng rượu cũng đạt 350 triệu lít/ năm (với 250 triệu lít là rượu tự sản xuất). Chưa tính lượng ruợu ngoại nhập khẩu chính thức và nhập lậu, mức tiêu thụ bia, rượu bình quân mỗi người đã lên tới 19,7 lít/năm.

“ Tỉ lệ sử dụng bia rượu ở dân cư hiện nay đạt ở mức cao. Ví dụ Sơn La: 36%; Thanh Hoá 30%; Bà Rịa - Vũng Tầu 32%, Hà Nội: trên 30%... Điều đáng quan tâm là tình trạng lạm dụng bia đang có xu hướng trẻ hoá. Cá biệt có những địa phương như Sơn La, Lào Cai… độ tuổi bắt đầu sử dụng bia rượu là 10”, TS Hạnh nói.

Hậu quả do lạm dụng bia rượu cũng đã thể hiện rất rõ ràng qua các con số báo cáo từ các bệnh viện về số người bị tai nạn giao thông do say rượu bia; bệnh nhân phải điều trị do ngộ độc rượu hoặc mắc các bệnh về gan, dạ dày, thần kinh… đang có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hóa độ tuổi. Nó còn làm ảnh hưởng nặng nề đến khả năng lao động và kinh tế của người lạm dụng bia rượu, gián tiếp tạo thêm khó khăn cho xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm phòng chống bệnh tâm thần tỉnh, tỷ lệ lạm dụng rượu ở Thanh Hoá ở mức xấp xỉ 2,58% dân số, trong đó số nghiện rượu là 0,42%. Có đến gần 5% số người nhập viện phải điều trị loạn thần là do lạm dụng bia rượu và đều là nam giới ở độ tuổi dưới 50 và đều có trình độ hết cấp III trở lên.

ThS Quang đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng: Tai họa do lạm dụng bia rượu đã ngày càng thấy rõ. Chính vì vậy, cần phải đưa ra những chế tài cụ thể nhằm hạn chế tình trạng trên, cũng như kiểm soát vấn đề VSATTP đối với bia, rượu.

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đang phối hợp với các Bộ Ngành liên quan để xây dựng dự thảo Chính sách quốc gia Phòng chống tác hại của bia rượu đệ trình lên Chính phủ. Theo dự thảo này, mức tiêu thụ rượu bia sản xuất công nghiệp có độ cồn năm 2015 sẽ giảm tới 50% so với hiện nay. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nan giải đang được đặt ra.

Không thể kiểm soát ?

Cũng theo điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, không kể số lượng hàng trăm triệu lít bia sản xuất và nhập khẩu, riêng lượng rượu nhập khẩu cũng lên tới hàng triệu lít/năm, cùng đó một lượng cực lớn rượu nhập lậu, không có nguồn gốc cũng đang được tiêu thụ trên thị trường. Nnhững loại rượu này chủ yếu xuất hiện ở các khu vực thành thị, đối tượng sử dụng là những người có thu nhập khá.

Tuy nhiên, 2/3 số rượu được tiêu thụ hiện nay vẫn là rượu tự nấu của hàng trăm nghìn hộ sản xuất thủ công trên toàn quốc. Có tới 95% số người được điều tra cho biết họ thích và thường xuyên sử dụng rượu tự nấy do giá thành rẻ lại dễ mua, hợp khẩu vị.

Trong khi đó, theo điều tra của các nhà nghiên cứu, rất nhiều loại rượu tự nấu có hàm lượng Axit axetic cao gấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần so với rượu nấu ở các nhà máy đã công bố chất lượng.

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Sơn La: Riêng tỉnh này đã có khoảng 80.000 hộ sản xuất rượu với sản lượng ước tính 2 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể của nhà nước về quản lý và lưu thông rượu tự nấu nên các loại rượu này vẫn đương nhiên lưu hành trên thị trường mà không cần sự quản lý về mặt lưu thông hàng hoá. Mới đây Sở Y tế tỉnh này đã lấy 87 mẫu rượu tự nấu để kiểm tra VSATTP thì có tới 83 mẫu không đạt yêu cầu. Nồng độ Methanol vượt quá quy định hàng chục thậm chí hàng trăm lần.

ThS Mai Văn Quang, Sở Y tế Thanh Hoá cũng cho biết: Hầu hết các gia đình ở miền núi của tỉnh này đều tự nấu rượu để dùng hoặc bán ra ngoài. Riêng sản lượng rượu tự nấu trên toàn tỉnh đã đạt 90 - 120 lít/ năm.

Đây cũng là tình trạng chung của các địa phương trên toàn quốc.

TS Phạm Văn Đà, Trưởng phòng truyền thông Cục VSATTP thừa nhận: "Bia, rượu mặc dù đã được quy định là sản phẩm dùng ngay, được “quy hoạch” vào danh sách thực phẩm có nguy cơ cao, cần quản lý. Tuy nhiên quản ra sao, dựa trên quy định gì thì…chịu".

“Hiện nay nước ta chưa có chế tài quy định về công bố chất lượng đối với từng loại rượu mà chỉ đưa ra vài ba tiêu chuẩn khuyến khích đối với ba dòng rượu chính là rượu trắng, rượu mùi và rượu vang. Mà đã khuyến khích thì không bắt buộc, nên vấn đề chất lượng đối với loại rượu này hoàn toàn phụ thuộc vào “lương tâm” của người nấu. Vì vậy chỉ có vài ba nhà máy sản xuất rượu lớn, có thương hiệu mới tự công bố tiêu chuẩn chất lượng, còn lại hàng trăn nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với hàng trăm loại rượu khác nhau thì không nhà quản lý nào biết họ sản xuất ra sao, nguồn nguyên liệu như thế nào, pha phụ gia gì..?”,TS Đà cho hay.

Nhất thiết phải có văn bản pháp quy riêng biệt

TS Đà và nhiều cán bộ quản lý địa phương đóng góp ý kiến: Tập quán uống và sản xuất rượu đã có trở thành thói quen và truyền thống lâu đời ở nước ta. Ở khía cạnh nào đó, nó thể hiện nét văn hoá và nếp sống của người Việt. Nếu đưa ra quy định cấm “tiệt” các loại rượu tự nấu sẽ rất khó được chấp nhận bởi nó còn liên quan đến kinh tế của không ít hộ sản xuất và bán rượu ở các địa phương.

Tuy nhiên, sự ra đời của dự thảo Phòng chống tác hại của bia rượu và những biện pháp giảm thiểu tệ lạn nạm dụng bia rượu là rất cần thiết.

Để thực hiện được những chiến lược lớn này cần có một cơ sở nghiên cứu khoa học sâu, rộng hơn nữa để có những can thiệp cồng đồng nhằm giảm thiểu tác hại của bia, rượu. Ngay sau đó là các văn bản pháp quy riêng biệt về quản lý tất cả các loại rượu tự nấu và chế tài xử lý hành chính các vi phạm trong lĩnh vực sản xuất và lưu thông mặt hàng này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức nhân lực cho hệ thống an toàn VSTTP ở các tuyến tỉnh nhằm quản lý chất lượng thực phẩm nói chung và rượu tự nấu nói riêng.

P. Thanh