Cảm động truyền thống không “phong bì” ở khoa Nội tiết - Đái tháo đường

(Dân trí) - Có bố là bệnh nhân của khoa Nội tiết-Đái tháo đường (BV Bạch Mai) đã từng điều trị nhiều lần, tôi rất cảm kích về thái độ cũng như y đức của các y bác sĩ nơi đây. Và cảm nhận ấy không phải chỉ của riêng tôi...

 Tôi viết bài này như một lời tri ân với các bác sĩ khoa Nội tiết và Đái tháo đường nhân ngày Thầy thuốc VN:

 

Từ cuối tháng 9/2011, khi các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin về việc một số bệnh viện cam kết “nói không với phong bì” đã làm nức lòng người dân, đặc biệt những gia đình có người nằm viện. Thế nhưng, đã từ lâu, tại một khoa của một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân truyền tai nhau  truyền thống “không phong bì” của các bác sĩ, cán bộ, nhân viên điều trị tại khoa như một niềm vui, niềm tự hào, đó là khoa Nội tiết và Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

 

Bác Chử Văn Thật, 72 tuổi, quê ở Yên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên mắc bệnh tiểu đường đã hơn chục năm nay. Cũng như bao bệnh nhân bị tiểu đường nặng và có biến chứng, mỗi năm bác Thật phải nhập viện điều trị một vài lần là chuyện bình thường. Những đau đớn do bệnh tật giày vò, những lo lắng do tiến triển của bệnh… thế nhưng bác Thật vẫn có sự an ủi rất lớn bởi “Các bác sĩ của Khoa Nội tiết và Đái tháo đường rất tốt và nhiệt tình.

 

Khi tôi nhập viện nhận thấy tình trạng của bệnh đáng được tiêm thuốc gì, truyền thuốc gì hay phải truyền máu, chụp chiếu  là các bác sĩ tiến hành điều trị luôn, không phải vì tôi hay gia đình phải “làm việc” với các bác sĩ. Sự chu đáo và tận tình với người bệnh của các bác sĩ ở đây luôn làm tôi thấy yên tâm”, bác Thật cho biết.

 

Bác Thật cũng luôn nhớ tới những kỉ niệm với các bác sĩ ở khoa khi bác phải nhập viện những lần đầu. Bác Thật kể, theo thói quen của những người đi bệnh viện, có thế nào cũng phải gặp bác sĩ để được “quan tâm” hơn. Có lần bác Thật đi khám Tiểu đường ở khoa khám bệnh bệnh viện Bạch Mai, trong phòng chỉ có 2 bệnh nhân, bác Thật đã đưa phong bì cho bác sĩ nhưng có nói thế nào, người bác sĩ ấy cũng nhất định không lấy.

“Lần khác, khi đang được điều trị tại khoa với bác sĩ Hoàng Tiến Hưng, tôi đi sau anh ấy 1 chút, tôi định “cảm ơn”, nhưng bác sĩ Hưng biết ý và nói ngay “Bác cứ đi lên đây cùng với cháu”, làm tôi cũng ngại, không có ý định biếu bác sĩ nữa, mặc dù sự cảm ơn này là tự nguyện, chứ bác sĩ cũng chẳng phải gợi ý hoặc cũng chả có ai “mách nước” cả”, bác Thật tự hào về các bác sĩ đã điều trị cho mình.

 

Những lần sau, các bác sĩ và nhân viên ở khoa với bác Thật đã “như chỗ người nhà” bởi vào viện là yên tâm, không có chuyện các bác sĩ đòi hỏi, vòi vĩnh gì, nếu mình có cảm ơn riêng, các bác sĩ cũng nhất định từ chối.

Không chỉ bác Thật, rất nhiều bệnh nhân ở Khoa Nội tiết và Đái tháo đường đều có chung cảm xúc và suy nghĩ như vậy.

 

Ở khoa, những cái tên như bác sĩ Vân, Bảy, Đức, Hiền, Tâm, Hưng, Yến,…  cả những y tá và hộ lý được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gọi với thái độ trìu mến hoặc kể những câu chuyện đầy sự biết ơn.

 

Bác Nguyễn Đức Kha, 61 tuổi, (Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) cũng chia sẻ, bác đã điều trị ở khoa một số năm nhưng chưa bao giờ thấy bác sĩ ở khoa có thái độ vòi vĩnh. “Năm ngoái, khi đọc báo thấy có thông tin một số bệnh viện lớn ở HN “nói không với phong bì”, tôi cứ suy nghĩ mãi. Tôi đã điều trị ở Khoa Nội tiết và Đái tháo đường từ được 3 năm, có năm vào viện 2, 3 lần nhưng chưa bao giờ thấy có bác sĩ nhận tiền của tôi. Thậm chí, thấy các bác sĩ điều trị rất nhiệt tình, con gái tôi đã tìm cách để cảm ơn bác sĩ nhưng xin số điện thoại của bác sĩ còn khó. Những đợt điều trị dài ngày ở khoa tôi cũng nhận thấy, các bác sĩ ở đây không nhận tiền của bệnh nhân”.

 

Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính và có những biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, thần kinh,… phải điều trị cả đời. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân là những người nghèo ở vùng quê, vùng sâu vùng xa, việc đến được bệnh viện của họ đã là khó. Nhiều khi, tới được bệnh viện, họ đã ở giai đoạn rất nặng. Với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, việc ra vào bệnh viện nhiều lần cũng khiến họ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, chính sự chu đáo và nhiệt tình, nhất là truyền thống “không phong bì” của các bác sĩ điều trị đã là nguồn động viên, niềm an ủi lớn với các bệnh nhân, giúp cho họ có niềm tin trong cuộc sống.

 

Phương Nguyên