DNews

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Minh Nhật Hà Linh

(Dân trí) - Mạnh tay hơn trong áp thuế với rượu bia là biện pháp được cơ quan chức năng và cả chuyên gia nước ngoài đánh giá giúp giảm hiệu quả mức tiêu thụ bia rượu.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ

Tại Việt Nam, một chai bia phổ thông, khoảng 330ml, có giá chỉ 10.000 đồng, tương đương với một hộp sữa tươi 180ml. Như vậy, nếu tính về cùng thể tích, giá sữa thậm chí còn gần đắt gấp đôi bia.

Theo quy định của pháp luật, người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia. Ngoài ra, luật cũng nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 1

Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người.

Tuy nhiên, trong thực tế, khâu kiểm soát độ tuổi gần như bị "bỏ quên". Tạt vào quán tạp hóa ven đường, hầu như ai cũng có thể mua được loại thức uống có cồn này, chỉ cần có tiền. Với hình thức mua rượu bia online, việc kiểm soát độ tuổi lại càng khó.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 2

Giá rượu bia rẻ được đánh giá là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng loại thức uống này (Ảnh: T.H.).

Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. 

Đây là thông tin được cung cấp trong hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức năm 2022.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở người >=15 tuổi ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9l cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9l.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thói quen uống bia của người Việt một phần do bia ở Việt Nam quá rẻ và dễ mua. Hàng quán nào cũng có thể bán mà không có bất cứ quy định, tiêu chuẩn nào. Vì vậy, bất kỳ khi nào, thời điểm nào, số lượng ra sao, người dân có nhu cầu đều được đáp ứng.

Theo Bộ Y tế, bia rượu xếp ở vị trí thứ năm trong nhóm các yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến mô hình bệnh tật.

Bia rượu là nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (rối loạn sử dụng rượu bia, tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư, các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông...).

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 3

Bia rượu xếp ở vị trí thứ năm trong nhóm các yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến mô hình bệnh tật (Ảnh: Chụp màn hình).

Thống kê năm 2021, rượu bia là nguyên nhân gây ra 46.000 ca tử vong, chiếm hơn 6% tổng số ca tử vong ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, rượu bia gây ra 30% các vụ gây rối trật tự và 33,7% các vụ bạo lực gia đình, chi phí trực tiếp cho tiêu dùng năm 2017 là 4 tỷ USD (gần bằng 7% ngân sách nhà nước). 

Mạnh tay hơn trong áp thuế với rượu bia

Mạnh tay hơn trong áp thuế với rượu bia là biện pháp được cơ quan chức năng và cả chuyên gia nước ngoài đánh giá giúp giảm hiệu quả mức tiêu thụ bia rượu, kéo theo đó là gánh nặng bệnh tật và an sinh xã hội, do thức uống có cồn này gây ra.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 4

Mạnh tay hơn trong áp thuế với rượu bia là biện pháp được cơ quan chức năng và cả chuyên gia nước ngoài đánh giá giúp giảm hiệu quả mức tiêu thụ bia rượu (Ảnh: Minh Nhật).

Quy định hiện hành, Việt Nam áp dụng mức thuế suất tỷ lệ trên giá bán ra của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Theo đó, thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia là 65%, còn rượu dưới 20 độ là 35%. 

Song theo WHO, tại Việt Nam, thuế rượu bia chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% giá bán lẻ (trong khi nhiều quốc gia, con số này là 40-85% giá bán lẻ).

Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua nguyên tắc tăng thuế, điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB (thuế tỷ lệ %) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Hai bộ Tài chính, Y tế đề xuất lộ trình tăng giá bán rượu bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và ngăn tác hại sức khỏe.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 5

Hai phương án tăng thuế mặt hàng bia rượu được Bộ Tài Chính đề xuất (Ảnh: Chụp màn hình).

Đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến thông qua vào tháng 5/2025.

Theo đó, 2 phương án về mức thuế và lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng rượu và bia như đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cụ thể như sau: 

Phương án 1: Giá bán năm 2026 tăng 2-3% so với 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

Phương án 2: Giá bán năm 2026 tăng 10% so với 2025, các năm tiếp theo giá bán tăng 2-3%/năm so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập.

Tại hội thảo về sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường diễn ra sáng 20/9 tại Hà Nội, các đại biểu đại diện cho các tổ chức, các cơ quan làm luật đã cùng thảo luận lại một lần nữa liên quan đến lộ trình tăng thuế, đối với các mặt hàng gây ra ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe.

So sánh về tác động của 2 phương án, đại diện Bộ Tài Chính nhận định: "Phương án 2 có tác dụng tăng giá, giảm khả năng chi trả của các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động cao hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra. Do đó, Bộ Tài chính nghiêng về Phương án 2", đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu giúp đạt mục tiêu kép về giảm tiêu dùng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước.

Theo ước tính nếu tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng rượu bia 5-8%.

"Bộ Y tế nhất trí với phương án 2 về mức thuế và lộ trình tăng thuế đối với mặt hàng rượu và bia như đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", bà Hương nói.

Theo ThS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng WHO tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hiệu quả để làm giảm sử dụng rượu bia.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 6

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Văn phòng WHO tại Việt Nam (Ảnh: N.N.)

"Thuế rượu bia là một trong 5 giải pháp trong gói SAFER của WHO để giảm sử dụng rượu bia. Cần tăng thuế rượu bia thường xuyên sao cho mức tăng cao hơn mức tăng của lạm phát và mức tăng thu nhập.

Tăng thuế rượu bia là biện pháp cùng thắng: giúp giảm tiêu thụ, tốt cho sức khỏe, và tăng thu thuế cho chính phủ", ThS Lâm cho hay.

WHO ủng hộ phương án 2 do Bộ Tài chính đề xuất, vì mang lại nhiều hơn lợi ích về sức khỏe và tăng thu thuế cho chính phủ.

Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3-3,3% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 7

Một người dân sau khi sử dụng rượu bia vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông.

Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia của Việt Nam ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng.

Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính, đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.

Bài học từ các quốc gia trên thế giới

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 8

Nhiều quốc gia láng giềng của Việt Nam có giá rượu bia rất cao do chính phủ mạnh tay trong việc áp thuế (Ảnh: Getty).

Tính đến 2023, có 148 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại rượu, bia, cụ thể:

- Áp thuế tỷ lệ: bia (46 quốc gia), rượu mạnh (50 quốc gia).

- Áp thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn: bia (46 quốc gia), rượu mạnh (59 quốc gia).

- Áp thuế tuyệt đối theo thể tích: bia (48 quốc gia), rượu mạnh (33 quốc gia).

Nhiều quốc gia láng giềng của Việt Nam có giá rượu bia rất cao do Chính phủ mạnh tay trong việc áp thuế.

Theo trang Cktravels, một lon bia có dung tích 640ml ở Thái Lan có mức giá bình quân 40-65 baht (tương đương 30.000-48.000 đồng).

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 9

Giá đồ uống có cồn ở Thái Lan ở mức cao so với các nước trong khu vực (Ảnh: Getty).

Thái Lan hiện đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 22% giá trị, cộng thêm 430 baht mỗi lít cồn, trong khi thuế đối với rượu mạnh là 20% giá trị cộng 3.000 baht mỗi lít cồn.

Đi kèm với đó, Thái Lan có nhiều quy định nghiêm ngặt về việc bán và quảng cáo các mặt hàng bia rượu, giúp cho nguồn thu đến từ thuế đối với mặt hàng rượu bia được bổ sung vào nguồn tài chính quốc gia đáng kể.

Từ nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, Chính phủ Thái Lan sử dụng để thúc đẩy thành lập quỹ hỗ trợ các đối tượng yếu thế và chi tiêu công.

Tại Singapore, việc áp thuế theo nồng độ cồn giúp thuế suất tăng theo hàm lượng cồn trong sản phẩm.

Singapore còn trở thành một trong các quốc gia có giá bia rượu cao nhất thế giới. Theo chỉ số giá bia mới nhất của GoEuro, để mua một chai bia 330ml ở một siêu thị tại Singapore sẽ tốn trung bình 2,6 USD (khoảng 66.000 đồng). 

Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 10
Cái giá đắt vì rượu bia rẻ: Cần mạnh tay trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt - 11

Đáng chú ý, một lon bia mua tại quán bar ở Singapore có giá trung bình lên đến 11,4 USD (khoảng 290.000 đồng).

Theo Vero, tại Phần Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn đã được điều chỉnh tăng 8 lần từ năm 2003, với mức tăng dao động từ 2,5% đến 11,5% tùy theo loại sản phẩm. Việc tăng thuế này là một phần của chính sách nhằm giảm thiểu các tác hại liên quan đến rượu bia và thúc đẩy sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo, chính sách này đã góp phần vào mức giảm tiêu thụ cồn toàn quốc khoảng 23% từ năm 2007 đến năm 2020, nhờ vào tác động của giá cả cao hơn và các chiến dịch giáo dục về sức khỏe cộng đồng.

Đối với từng loại đồ uống, Phần Lan áp dụng các mức thuế dựa trên nồng độ cồn trong sản phẩm, với các mức cao hơn cho rượu mạnh và sản phẩm có độ cồn cao, nhằm hạn chế tiêu thụ. Cùng với các chính sách khác về hạn chế quảng cáo và bán lẻ rượu bia, Phần Lan đã tạo ra một môi trường quản lý chặt chẽ nhằm giảm các tác hại xã hội từ tiêu thụ rượu bia.