Cách sơ cứu chấn thương “hạ bộ” khi chơi thể thao

(Dân trí) - Khi chơi thể thao, nhất là bộ môn bóng đá, các vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư và người thường rất dễ bị các chấn thương vùng bụng, vùng kín, chuột rút…do va đập, hoặc quá tải. Nếu biết sơ cứu đúng cách sẽ giúp người chơi giảm đau và khả năng hồi phục nhanh hơn.

Vài năm trở lại đây, tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, phong trào chơi bóng đá tại các sân cỏ nhân tạo tư nhân phát triển mạnh. Nhằm cung cấp thêm 1 số kiến thức cơ bản và xử lý tình huống khi bị những chấn thương cho người chơi, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ thể thao Nguyễn Trọng Hiền – cựu bác sỹ của đội tuyển bóng đá Việt Nam, hiện nay ông là Trưởng phòng Y học thể thao của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn, Minh Khai, Bắc Từ Liêm – Hà Nội) - người đã có trên 20 năm kinh nghiệp trong nghề bác sỹ thể thao.

Cách sơ cứu khi bị chuột rút trong bóng đá

 

2-1449121239204

Phong trào chơi bóng đá tại các sân cỏ nhân tạo ở Thủ đô Hà Nội và những thành phố lớn ngày càng phát triển

Theo bác sỹ Hiền, trong bóng đá nói chung kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều có 3 dạng chấn thương mà các vận động viên (VĐV) gặp phải, đó là:

Chấn thương cấp tính: Xảy ra tức thời trong quá trình VĐV tập luyện hoặc thi đấu. Trong trường hợp này bác sỹ phải thăm khám phân loại để có phương án điều trị phù hợp.

Chấn thương mãn tính: Thường rơi vào các VĐV trẻ, hoặc các VĐV bị chấn thương trước đó từ các địa phương đưa lên trung tâm huấn luyện mà không biết. Ngoài ra, có thể do các VĐV trẻ chủ quan không chịu thăm khám mới dẫn đến mãn tính. Kể cả các VĐV đỉnh cao vẫn có thể bị chấn thương mãn tính là do chưa hồi phục hoàn toàn nhưng vì giải đấu quan trọng nên buộc vẫn phải thi đấu.

Chấn thương do quá tải: Do cường độ tập luyện và thi đấu quá tải nên dẫn đến các VĐV cũng có thể bị chấn thương về gân, xương…

Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền trao đổi với PV Dân trí
Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền trao đổi với PV Dân trí

“Đối với các VĐV chuyên nghiệp bị các chấn thương nói trên đều có bác sỹ thể thao thăm khám, điều trị khoa học. Nhưng đối với người chơi thể thao bóng đá thông thường, thì tôi khuyên trước khi chơi phải khởi động chung làm cho cơ thể nóng lên. Sau đó, khởi động kỹ các vùng cột sống, vai, háng, nhóm cơ đùi, đầu gối, bắp chân, cổ chân là rất quan trọng. Đặc biệt chú ý khu vực giữ thăng bằng cho cơ thể là khớp háng đến đầu gối, nếu không chú ý khởi động vị trí này rất dễ bị chấn thương dây chằng chéo, phải điều trị rất lâu”, bác sỹ Hiền cho biết.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ 1 số mẹo sơ cứu khi người chơi thể thao bị chấn thương. Khi người chơi bị đụng dập do bóng hoặc do người thì cần nằm nghỉ ngơi, tạo không gian thoáng để thở sâu.

Nếu bị chấn thương ở “bộ hạ”, bụng dưới thì bạn chơi dùng mũi giầy của mình đá mạnh vào gót chân, xốc nách người bị chấn thương sau đó cho mông rơi nhẹ xuống đất để làm phân tán vùng đau. Hoặc dùng tay xoa nhẹ vào các huyệt đạo của người bị chấn thương.

Nếu hết đau thì thôi nhưng người bị chấn thương vẫn đau sưng, bầm tím có thể bị vỡ gan, vỡ xương… thì phải cho đi bệnh viện để các bác sỹ xử lý điều trị.

Còn nếu bị chuột rút, ngay lập tức tự người chơi phải thực hiện biện pháp căng và ép cơ, hoặc nhờ người khác làm giúp việc này. Khi hết chuột rút, người chơi phải tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng vùng bị chấn thương.

“Ngoài ra, tại các sân cỏ nhân tạo, người chơi rất dễ bị xước tay, xước chân vì cỏ nhân tạo không giống với cỏ thường. Nếu bị như vậy cần phải băng bó, vệ sinh cẩn thận đề phòng nhiễm trùng uốn ván. Khi chơi đầu gối cần có biện pháp bảo vệ để tránh bị xước khi ngã”, bác sỹ Hiền nói thêm.

Nguyễn Dương