1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách nào bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư?

(Dân trí) - Trong bảo tồn khả năng sinh sản, các mô sinh sản sẽ được cứu, nhờ thế mà một người có thể có con trong tương lai. Công việc này thường bao gồm đông lạnh và lưu trữ trứng, tinh trùng, hoặc phôi, mặc dù các phương pháp khác có thể được sử dụng.

Nam giới và phụ nữ có thể bảo tồn khả năng sinh sản muốn trì hoãn việc có con, hoặc nếu họ sắp phải điều trị một bệnh nào đó như ung thư.

Ung thư và điều trị ung thư ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?

Cách nào bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư? - 1
Đối với phụ nữ, xạ trị có thể làm hư hại trứng, nang trứng, và hoóc môn.

Vô sinh được định nghĩa là một cặp vợ chồng không có khả năng thụ thai sau ít nhất 1 năm quan hệ thường xuyên mà không sử dụng các biện pháp tránh thai.

Các ung thư ở cơ quan sinh sản, như ung thư tử cung hoặc ung thư tinh hoàn, có thể gây vô sinh.

Những bệnh ung thư khác có thể không trực tiếp gây tổn hại khả năng sinh sản hoặc gây vô sinh, nhưng việc điều trị cho những ung thư này thì có thể gây hại.

Những tác động của điều trị ung thư đối với khả năng sinh sản có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Kết quả phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân, kiểu điều trị, loại và giai đoạn của ung thư, và tình trạng sinh sản của họ trước khi điều trị.

Khả năng sinh sản nữ và điều trị ung thư

Cả hóa trị và xạ trị đều có thể làm giảm khả năng sinh sản nữ. Những phương pháp điều trị này có thể làm hư hại trứng, nang trứng, và hoóc môn. Tia xạ trực tiếp vào buồng trứng hoặc thuốc hóa trị, được gọi là tác nhân alkyl hóa, là có hại nhất cho khả năng sinh sản.

Mãn kinh sớm, xảy ra trước 40 tuổi, có thể là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư, với nguy cơ xảy ra tăng lên khi người phụ nữ có tuổi.

Phẫu thuật cắt tử cung hoặc cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến vô sinh.

Khả năng sinh sản nam và điều trị ung thư

Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể gây hại cho khả năng sinh sản của nam giới.

Một số loại hóa trị và liều cao của xạ trị có thể giết chết các tế bào gốc sản sinh tinh trùng. Những loại điều trị này cũng có thể dẫn đến giảm chất lượng hoặc số lượng tinh trùng hoặc tổn thương ADN tinh trùng. Ngoài ra, một số liệu pháp hoóc môn được sử dụng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt và các ung thư khác có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.

Khi nào cần nói chuyện với bác sĩ

Bất cứ ai đang có kế hoạch điều trị bệnh ung thư và mong muốn có con trong tương lai đều nên thảo luận về bảo tồn khả năng sinh sản với bác sĩ.

Bác sĩ có thể tư vấn về việc liệu điều trị ung thư mà bệnh nhân sắp trải qua có khả năng dẫn đến vô sinh hay không. Họ có thể gọi ý những lựa chọn tốt nhất để bảo tồn khả năng sinh sản cho người đó.

Thời gian tốt nhất để bảo tồn khả năng sinh sản là trước khi bắt đầu điều trị ung thư, vì ngay cả một vòng điều trị cũng có thể gây hại cho khả năng sinh sản.

Những lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho nữ

Cách nào bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư? - 2
Đông lạnh phôi là một phương pháp phổ biến để bảo tổn khả năng sinh sản ở nữ.

Những phương pháp để bảo tồn khả năng sinh sản nữ bao gồm:

• Chuyển vị buồng trứng: Một hoặc cả hai buồng trứng được phẫu thuật chuyển vị trí để bảo vệ chúng khỏi tia xạ. Các điều trị này được sử dụng cho những phụ nữ sắp phải xạ trị ở một vùng khác ngoài vùng chậu. Nó không mang lại sự bảo vệ hoàn toàn, do tia xạ rải rác. Nếu người phụ nữ vẫn không thể thụ thai sau khi điều trị, buồng trứng có thể cần phải di chuyển một lần nữa. Cũng có thể cần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

• Đông lạnh trứng hoặc bảo quản lạnh noãn: Phụ nữ được điều trị nội tiết tố để kích thích sản sinh trứng. Sau đó trứng được lấy ra khỏi các nang của mỗi buồng trứng, đông lạnh, và được lưu trữ cho đến khi sẵn sàng sử dụng. Đây có thể là một lựa chọn tốt cho những phụ nữ chưa có chồng/bạn trai và không muốn sử dụng tinh trùng của người hiến để thụ tinh cho trứng.

• Phôi đông lạnh hoặc bảo quản lạnh phôi: Theo Hội Ung thư Mỹ, đây là phương pháp phổ biến nhất và thành công để bảo tồn khả năng sinh sản nữ. Nó tương tự như bảo quản lạnh trứng. Trong quá trình này, trứng được lấy ra từ buồng trứng của người phụ nữ và được thụ tinh với tinh trùng của bạn trai/chồng hoặc người hiến tinh trùng. Phôi tạo ra được đông lạnh cho đến khi sẵn sàng sử dụng.

• Che chắn vùng chậu: Những bệnh nhân nữ phải tia xạ trực tiếp vào các vùng khác ngoài cùng chậu có thể bảo vệ cơ quan sinh sản khỏi bức xạ nhờ những tấm chắn được đặt cẩn thận.

• Cắt cổ tử cung: Những người bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể được phẫu thuật cắt cổ tử cung để bảo vệ tử cung.

• Điều trị không phẫu thuật cho ung thư nội mạc tử cung: Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn đầu có thể được điều trị thành công bằng thuốc thay vì phẫu thuật. Điều này có thể giúp bảo vệ khả năng sinh sản.

Ngoài ra còn có một số kỹ thuật bảo tồn khả năng sinh sản có tính thử nghiệm hơn cho phụ nữ, ví dụ:

• Bảo quản lạnh mô buồng trứng: Mô buồng trứng được phẫu thuật lấy ra, đông lạnh, và sau đó ghép trở lại vào cơ thể. Phương pháp này có thể không phù hợp cho những người bị một số bệnh ung thư nhất định như bệnh bạch cầu, vì tế bào ung thư có thể có mặt trong mô được lấy ra.

• Ức chế buồng trứng: Liệu pháp hoóc môn có thể được sử dụng để ức chế buồng trứng và bảo vệ trứng trong quá trình điều trị ung thư.

Tùy thuộc vào phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản được áp dụng và giai đoạn của người phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, điều trị ung thư có thể được trì hoãn tới 3 tuần. Một số người có thể cần điều trị ung thư ngay lập tức, và do đó không phải mọi phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản đều dành cho tất cả mọi người.

Những lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho nam giới

Trước khi điều trị ung thư, nam giới có thể xem xét các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản sau:

• Bảo quản lạnh tinh trùng: mẫu tinh dịch có thể được đông lạnh và lưu trữ cho đến khi sẵn sàng để sử dụng. Những mẫu này có thể được dùng trong IVF, hoặc được rã đông và bơm vào tử cung của người nữ. Quá trình này được gọi là thụ tinh trong tử cung.

• Che chắn vùng chậu: Nam giới phải xạ trị có thể phải bảo vệ tinh hoàn bởi những tấm chắn được đặt cẩn thận.

• Bảo quản lạnh mô tinh hoàn: Phương pháp này vẫn còn đang được nghiên cứu như một biện pháp bảo tồn khả năng sinh sản ở nam giới. Mô tinh hoàn được phẫu thuật lấy ra, đông lạnh, và sau đó ghép trở lại vào cơ thể.

Những lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản cho trẻ em bị ung thư

Cách nào bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân ung thư? - 3
Phụ nữ được khuyên nên chờ khoảng 2 năm sau khi điều trị ung thư trước khi mang thai.

Cha mẹ của trẻ bị ung thư có thể cần thực hiện các bước để thử và bảo tồn khả năng sinh sản cho đứa con.

Các lựa chọn phụ thuộc vào tuổi của trẻ, trẻ đã dậy thì chưa, kiểu điều trị ung thư đang được xem xét, loại và giai đoạn của bệnh.

Trẻ đã bước vào tuổi dậy thì có thể đủ điều kiện để bảo quản lạnh trứng hoặc tinh trùng. Những trẻ tiền dậy thì có thể đông lạnh mô buồng trứng hoặc mô tinh hoàn.

Cha mẹ cần có bản cam kết, và có thể cần cả bản cam kết của trẻ.

Đối với một số nơi, việc bảo tồn khả năng sinh sản ở trẻ em có thể đặt ravấn đề về đạo đức. Ủy ban Đạo đức của Hội Y học sinh sản Mỹ khuyên cha mẹ của trẻ bị ung thư có thể hành động để bảo tồn khả năng sinh sản của con nếu đứa trẻ đồng ý, và nếu thủ thuật có thể có lợi cho đứa trẻ trong tương lai.

Ảnh hưởng của việc bảo tồn khả năng sinh sản đối với điều trị ung thư

Hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy các phương pháp bảo tổn khả năng sinh sản cản trở việc điều trị ung thư. Tuy nhiên, nếu việc điều trị ung thư bị trì hoãn để cứu khả năng sinh sản, thì điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Cần thảo luận về nguy cơ này với bác sĩ.

Mang thai sau khi điều trị ung thư và bảo tồn khả năng sinh sản

Mang thai thành công sau khi điều trị ung thư và bảo tồn khả năng sinh sản là có thể. Không có bằng chứng cho thấy điều trị ung thư có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của đứa con được thụ thai sau khi điều trị kết thúc. Không nên để thai nhi tiếp xúc với phương pháp điều trị ung thư khi còn trong bụng mẹ.

Theo tổ chức Cancer Research UK, hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên người phụ nữ đợi 2 năm sau khi điều trị ung thư rồi mới mang thai.

Tuy mang thai không gây tái phát ung thư, song ung thư dễ tái phát nhất trong vòng 2 năm đầu sau khi chẩn đoán. Phụ nữ có thai trong thời gian này sẽ không thể điều trị ung thư mà không sợ gây hại cho thai nhi.

Cẩm Tú

Theo MNT