Cách khắc phục những vấn đề sức khỏe hay gặp trong mùa hè

(Dân trí) - Từ say nóng tới bệnh Lyme và viêm mũi dị ứng, tiết trời nóng nực cộng với ánh nắng mùa hè ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề hay gặp nhất và làm cách nào để chúng không cản trở bạn tận hưởng những ngày hè vui vẻ.

Đừng quên bảo vệ mắt

Đừng quên bảo vệ mắt

Các tia mặt trời có thể dẫn đến nhiều vấn đề về mắt, ngay cả trong những ngày có mây.

Từ những chứng bệnh có thể điều trị được như viêm giác mạc (viêm giác mạc do ánh nắng) hoặc tăng sản kết mạc (mộng thịt) đến những tổn thương lâu dài như đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm, những bệnh mắt này đều có liên quan với ánh nắng.

Các triệu chứng tương ứng bao gồm đau, thấy có khối cộm trong mắt, và giảm thị lực.

Để ngăn ngừa những bệnh này, điều quan trọng là phải bảo vệ mắt bằng cách đeo kính có tác dụng lọc tia cực tím (UV).

Bước sóng ánh sáng được đo bằng nanomet (nm), và tia UV có bước sóng 320 - 390nm.

Nếu kính có ký hiệu CE (một tiêu chuẩn của châu Âu về báo vệ chống tia cực tím) thì có nghĩa là nó sẽ cho phép không quá 5% tia UV dưới 380 nm đi qua.

Một điều khác bạn có thể thấy trên kính là ký hiệu UV 400 - nghĩa là kính không cho tia UV dưới 400nm đi qua. Đeo kính có viền rộng cũng giúp ích.

Ngộ độc thực phẩm

Mùa hè có thể đồng nghĩa với tiệc nướng ngoài trời và sa-lát.

Mặc dù có thể tốt cho sức khỏe, song nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng tăng lên nếu không tuân thủ đúng các nguyên tắc chế biến thực phẩm.

Triệu chứng thường bắt đầu sau 1 - 3 ngày và có thể từ nhẹ, với các triệu chứng đi ngoài và/hoặc nôn, tới nặng, với sốt, chóng mặt, tiểu ít, mất nước, đau bụng dai dẳng và phân có nhày máu mũi.

Ngộ độc thực phẩm nhẹ thường tự hết, và giữ đủ nước cho cơ thể bằng cách bổ sung khoảng 200ml nước (một cốc nhỏ) sau mỗi lần đi ngoài hoặc nôn là tất cả những việc cần làm.

Những nếu có các triệu chứng hoặc những vấn đề khác đi kèm, thì cách tốt nhất là tìm sự trợ giúp y tế.

Các chuyên gia khuyên nên tuân thủ 4 quy tắc dưới đây để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:

- Làm sạch

- Nấu kỹ

- Giữ lạnh đủ

- Tránh nhiễm chéo

Bệnh tai do bơi lội

Còn gọi là viêm tai ngoài, bệnh tai do bơi lội là tình trạng viêm da ở ống tai.

Thường xuyên đi bơi là một yếu tố nguy cơ vì nước thâm nhập vào tai, gây kích ứng và viêm da. Tình trạng này tạo môi trường thích hợp cho các vi sinh vật phát triển và gây nhiễm trùng. Tai có thể bị ngứa, khó chịu và chảy nước. Sức nghe cũng có thể bị giảm

Thuốc nhỏ tai mua ở hiệu thuốc thường sẽ giải quyết được vấn đề này.

Cách tốt nhất để phòng bệnh tai do bơi lội là giữ tai khô, mang mũ bơi kín đầu hoặc dùng nút tai bằng silicon nếu không bị kích ứng ống tai.

Tránh ngoáy tai bằng tăm bông, ngón tay hoặc khăn.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng đang trở nên ngày càng phổ biến. Những người có nguy cơ cao là những người đã mắc các bệnh dị ứng khác, như hen hoặc eczema.

Viêm mũi dị ứng có nguyên nhân từ phản ứng dị ứng với phấn hoa từ cây cối, dẫn đến viêm và những triệu chứng điển hình như ngứa họng, mũi, mắt, chảy nước mắt nước mũi; hắt hơi, ho; đau đầu và mệt mỏi.

Một số người hay bị vào đầu mùa xuân, trong khi một số khác lại bị vào cuối hè do những loại phấn hoa khác nhau phát ra.

Giảm tiếp xúc với phấn hoa có thể giúp phòng ngừa dị ứng.

Việc này bao gồm tránh ra ngoài trời trong những thời điểm nhiều phấn hoa, bảo vệ mắt khi ra ngoài trời, bôi sáp bảo vệ quanh mũi, tắm và thay quần áo khi đã vào nhà, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ.

Điều trị bao gồm thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi không cần đơn.

Để ngăn ngừa triệu chứng, thường phải uống thuốc trong một hai tuần trước khi mùa phấn hoa bắt đầu.

Nếu các triệu chứng nặng hoặc nếu bạn bị những bệnh dị ứng khác, nhất là hen, thì cần đi khám bác sĩ vì những phương pháp điều trị khác, như liệu pháp miễn dịch, có thể giúp ích.

Bỏng nắng

Bỏng nắng

Bỏng nắng có thể xảy ra chỉ sau một vài giờ dang nắng. Da nóng và đau rát khi sờ thường là dấu hiệu đầu tiên của bỏng nắng. Da có thể rộp lên và bắt đầu bong sau một vài ngày.

Trong những trường hợp nặng, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn hoặc phát ban. Về lâu dài, bỏng nắng có thể gây những tổn thương da mạn tính kèm theo nếp nhăn, chấm đồi mồi và ung thư da.

Bảo vệ da trước ánh mặt trời, ngay cả trong những ngày có mây, là cách tốt nhất để phòng ngừa tổn thương này.

Tất cả chúng ta đều cần vitamin D và mặc dù có trong thực phẩm, song ánh nắng vẫn là một nguồn quan trọng.

Hiện các bác sĩ da liễu và các nhà khoa học có những ý kiến khác nhau về nguy cơ khi phơi nắng và tiếp nhận vitamin D. Tỷ lệ mắc ung thư da đang gia tăng, vì vậy bảo vệ trước ánh mặt trời là rất quan trọng.

Tuy nhiên, ngay cả với những phương tiện chắn nắng, một số tia mặt trời vẫn tới được da và lượng ánh nắng này, kết hợp với vitamin D trong chế độ ăn, là đủ cho cơ thể.

Nếu bạn bị bỏng nắng, cần uống đủ nước và làm mát vùng da bằng nước, chườm mát và các loại gel bôi tại chỗ như nha đam và kem giữ ẩm có thể giúp ích.

Các thuốc chống viêm như ibuprofen sẽ giúp giảm đau.

Tìm sự giúp đỡ của y tế nếu tình trạng không cải thiện sau một hai ngày hoặc có kèm theo sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lú lẫn, các dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc rộp da trên phần lớn cơ thể.

Bệnh Lyme

Mùa hè cũng là lúc mọi người đi dã ngoại nhiều hơn. Mặc dù việc này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng những vết đốt của côn trùng, nhất là ve, có thể là mối lo ngại.

Bệnh Lyme, hay sốt ve, có thể xảy ra và gây những hậu quả cả trước mắt và lâu dài.

Phần lớn người bệnh không nhớ bị đốt lúc nào, mà chỉ thấy vết đốt với một vòng ban đỏ xung quanh. Triệu chứng này có thể xảy ra từ 3 ngày đến khoảng một tháng sau khi bị đốt. Đồng thời có những triệu chứng đi kèm giống như bị cúm.

Một số người có thể tự khỏi mà không cần điều trị; tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển gây đau khớp, yếu mệt, các vấn đề về tim và thần kinh nếu không được điều trị bằng kháng sinh.

Về lâu dài, bệnh Lyme mạn tính có thể biểu hiện những triệu chứng về tâm thần hoặc nhận thức và viêm khớp. Do đó việc điều trị là rất quan trọng nếu bạn bị ve đốt.

Phòng ngừa bằng cách tìm hiểu về những khu vực có bệnh, sử dụng thuốc xua côn trùng, mặc quần áo dài tay, nhét ống quần vào trong tất và đi giày kín.

Kiểm tra da hàng ngày để phát hiện vết đốt của ve và loại bỏ ve càng sớm càng tốt.

Nếu phát hiện thấy ve bám trên da, dùng nhíp, kẹp hoặc dụng cụ gắp ve để kẹp vào phần đầu và miệng càng sát da càng tốt rồi từ từ kéo ra khỏi da mà không làm đứt ve.

Kiệt sức do nóng

Khi mồ hôi ra quá nhiều, cơ thể sẽ bị mất muối và nước và dễ dàng bị mất nước vào mùa hè.

Nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên, dẫn đến kiệt sức do nóng, có thể kèm theo buồn nôn, đau đầu, choáng ngất và chóng mặt.

Di chuyển vào nơi mát và uống nhiều nước nhiều nước thường sẽ giúp phục hồi trong vòng 30 phút.

Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến say nóng – khi nhiệt độ cơ thể tăng quá 40 độ C. Bệnh nhân có thể bị lú lẫn, nôn, thở nhanh và mất ý thức.

Say nóng là một cấp cứu và bạn cần tìm sự trợ giúp y tế ngay.

Phát ban trên da

Từ những nốt rôm sảy do tuyến mồ hôi bị bít tắc đến phản ứng dị ứng với vết đốt của côn trùng hoặc tiếp xúc với các loại nhựa cây hay phấn hoa, nhiều loại phát ban khác nhau có thể xảy ra vào mùa hè.

Giữ mát da và tẩy da chết thường xuyên để giảm thiểu sự tích tụ của tế bào da chết có thể giúp ngăn ngừa rôm sảy.

Phát ban do dị ứng thường tự hết và các thuốc kháng histamine uống và kem bôi tại chỗ sẽ làm giảm các triệu chứng ngứa và viêm.

Cẩm Tú

Theo Daily Mail