Cách chữa bệnh của "cô Phú cá" là không có cơ sở khoa học!

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết “Xôn xao cách chữa bệnh kỳ quái lột trần, giẫm lên người bệnh”, nhiều độc giả là bác sĩ, những người bệnh chữa “cô Phú cá” đã lên tiếng cắt nghĩa về cách chữa bệnh cũng như tố cáo hành vi không có cơ sở khoa học này.

 

Hình ảnh từng hàng người cởi trần, xếp hàng để được giẫm đạp... chữa bệnh của bà Phú được lan truyền trên mạng xã hội.
Hình ảnh từng hàng người cởi trần, xếp hàng để được giẫm đạp... chữa bệnh của bà Phú được lan truyền trên mạng xã hội.

Độc giả Hoa Vu chia sẻ với Dân trí, cách đây 6 năm, chính chị đã lên tận nhà "cô Phú cá” theo một xe hợp đồng khá đông người cùng nhau gặp, thuê xe lên Sông Công (Thái Nguyên) để chữa bệnh.

“Tuy vào thoải mái để cô giẫm lên lưng, truyền năng lượng không mất tiền nhưng ai cũng phải đưa một khoản tiền “tùy tâm” để thắp hương. Chưa kể, dịch vụ ăn theo rất đắt đỏ, 1 chai nước và 1 chục trứng đắt gấp đôi ở ngoài. Sau 1 năm, trong nhóm cùng chuyến xe đó không ai còn đến Cô chữa bệnh nữa vì người thì bệnh không khỏi mà người khác cũng không còn. Tôi chia sẻ để mong mọi người đừng quá tin vào lời đồn thổi để khỏi tiền mất tật vẫn mang”, độc giả Hoa Vu chia sẻ.

Một độc giả khác bày tỏ, không thu tiền, nhưng tiền dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ của 500 - 600 người mỗi ngày cũng giúp gia đình cô Phú bội thu.

Độc giả Thu Hà cho biết chị đã đã từng tới đây, đúng ngày xá tội vong nhân nên cô không chữa bệnh bằng cách giẫm. Chị Hà chứng kiến tận mắt cô chữa cho 1 số người nặng - như trò chơi trẻ con. Mẹ chị Hà cũng từng lên đây 1 lần được cô giẫm lên người thì mô tả khi cô chạm chân vào da thì thấy nóng ấm nhưng để bảo có tác dụng chữa bệnh không thì không biết.

“Do có mối quen biết nên bé nhà tớ cũng được cô chữa 2 lần bằng cách xoa và thổi vào miệng. Bản thân tôi nhận thấy việc thổi miệng siêu bẩn mà kết quả bệnh không hề suy giảm”, chị Hà Nói.

Chỉ là “chiêu bài”

Trên diễn đàn Bacsinoitru.vn, thành viên là bác sĩ Nguyên Vũ chia sẻ, anh là một bác sĩ trong trong chuyên ngành tâm thần học. Vị bác sĩ này cho rằng cách chữa bệnh lột trần và giẫm lên người của cô Phú Cá là không có cơ sở khoa học.

Trong thực tế kinh nghiệm khám chữa bệnh của bác sĩ Nguyên Vũ, bác sĩ này cho biết những người tâm thần, thường là những người mắc bệnh hoang tưởng, rất hay tự coi mình là thánh, và trong trường hợp này là Cô Phú Bồ Tát. Khi nói chuyện với người đối diện, họ thực sự có tài ăn nói và thuyết phục người khác rất giỏi, nhất là với những người đang có vấn đề khúc mắc về tâm lý (lo lắng về bệnh tật), cộng thêm sự cổ vũ động viên của những người quá mê tín... đã khiến cho câu chuyện về Cô Phú Bồ Tát thêm phần huyền bí và lan truyền

Thứ hai: đối với những người bệnh mạn tính thì thường có tình trạng căng thẳng tâm lý (stress) đã khiến cho tình trạng bệnh thêm “nghiêm trọng”, họ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để mong sức khỏe tốt lên. Nếu chỉ cần được tư vấn tốt, được ở trong một môi trường tốt... giúp cho tâm lý không căng thẳng là họ đã cảm nhận được sức khỏe có cải thiện rồi.

Trong trường hợp Cô Phú Bồ Tát chữa bệnh cũng vậy, chẳng có gì là cao siêu cả, có chăng đây cũng giống như là một liệu pháp tâm lý giúp người bệnh đỡ căng thẳng tâm lý. Nhưng cái nguy hiểm ở đây là nhiều người có bệnh sẽ lầm tưởng là được Cô Phú Bồ Tát chữa khỏi rồi nên sẽ không đi khám và điều trị khiến cho bệnh sẽ ngày một tiến triển nặng, tiến triển tới giai đoạn muộn và vô phương cứu chữa.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định đây là cách chữa bệnh phản khoa học. Ông cũng phân tích hiện tượng tại sao người dân lại xếp hàng để chờ được cô Phú giẫm lưng truyền năng lượng.

“Tâm lý con người, đặc biệt là tâm lý người ốm luôn muốn tò mò tìm hiểu và lúc đầu chỉ là thử thôi. Để rồi đến khi thử xong, họ mới ngớ người, thấy dù không khỏi, không có kết quả mà vẫn không nói ra. Tâm lý chung của mọi người là vậy, đã hố nhưng không dám thừa nhận, chỉ họ mới biết là không có hiệu quả gì nhưng không dám thừa nhận”, TS Dũng nói.

Thêm nữa, trong điều trị bệnh, yếu tố tinh thần là rất quan trọng. Những người bệnh nan y với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, cứ nghe ngóng đâu có người chữa khỏi bệnh nan y là không quản đường xa tới đây chữa bệnh. Trong cái tâm lý chờ đợi, háo hức bởi có rất nhiều người tìm đến, họ càng tin về cái gọi là “hữu xạ tự nhiên hương”, phải chữa khỏi mới có nhiều người tìm đến thế nên khi được chữa, cảm thấy như được tuyền năng lượng, thấy thoải mái. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác, còn không ai khẳng định chữa được bệnh và chính những người bệnh dù thấy vậy nhưng họ không dũng cảm nói lên điều đó.

Chia sẻ lời bình luận bài viết trên Dân trí, độc giả tên Hải cho biết chị có một bà sếp là người có trình độ, ở thành phố lớn mà cũng lần mò cả nghìn km ra Sông Công, Thái Nguyên, ăn trực nằm chờ ở đó đến 2 tháng để chữa bệnh. “Không may mắn, bệnh của sếp chẳng thuyên giảm được tí nào nhưng vẫn hết lời ca ngợi, thán phục cô Phú đến tận mây xanh. Sếp còn nói nhiều người nổi tiến lắm chữa khỏi (dù sếp không khỏi) nhưng vẫn đặt niềm tin hết mực, hết lời ca ngợi”, độc giả Hải chia sẻ.

“Đáng nói, sếp đi chữa rất nhiều nơi kiểu cô Phú, dù không khỏi mà sếp vẫn cứ tin. Đó, người có học thức còn có niềm tin mù quáng như thế, nên nói gì những người ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân trí thấp. Vì thế, những kiểu “thầy thuốc” như cô Phú khong bao giờ thất nghiệt”, chị Hải nói.

Độc giả này cũng bày tỏ chia sẻ câu chuyện này, là vì rất thông cảm với những người có bệnh trọng, nhưng đừng vì quá tin vào những lời “thần thánh” hóa, tránh sa đà và mắc bẫy chiêu bài chữa bệnh không có cơ sở khoa học đó.

Phân tích về những người bệnh nói rằng họ khỏi bệnh nhờ chữa cô Phú, PGS Dũng cho rằng, về khoa học, không ai có thể khẳng định những người đó mắc bệnh gì, có khỏi bệnh không. Ông còn đặt ra vấn đề, không thể loại trừ đó có thể là những “chân gỗ” được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động này, nên đã tự nhận mình là những người bệnh đã chữa khỏi để góp phần lôi kéo thêm nhiều người cả tin tới đây để chữa bệnh.

“Ở quê tôi cũng có người tự dưng nổi lên như… thánh, cũng chữa bệnh nhờ lộc thánh… dân làng thì chẳng ai đến vì biết rõ, không ai tin nhưng người ở địa phương khác nghe đồn thổi vẫn tìm về. Chính những người tham gia trông xe, cung cấp dịch vụ vệ sinh, ăn uống… được hưởng lợi lại đóng chính là những người được chữa khỏi, rỉ tai những người dân vùng khác để họ có thêm niềm tin vào khả năng chữa bệnh thần thánh một cách vô lý này”, TS Dũng nói.

Liên quan đến vụ cô Phú ở Sông Công, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền, các cơ quan liên quan cùng Sở Y tế Thái Nguyên kiểm tra.

Ông Khuê cho biết thêm, theo quy định Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp cơ quan tổ chức, cá nhân nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh an toàn, hiệu quả cho người dân.

Bộ Y tế đã ban hành về việc ứng dụng phương pháp khám bệnh mới để tất cả cơ sở y tế, người dân căn cứ vào đó, có bất cứ phương pháp chữa bệnh nào cần báo cáo với cơ quan y tế để phối hợp, xem xét, khảo sát nếu là biện pháp chữa bệnh an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế chắc chắn sẽ hoan nghênh. Tuy nhiên, mọi vấn đế khám chữa bệnh đều phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

 

Hồng Hải