Các vấn đề tâm lý ở bệnh nhân ung thư
(Dân trí) - Mặc dù có nhiều tiến bộ trong điều trị, ung thư vẫn là một trong những chẩn đoán đáng sợ nhất mà bác sĩ có thể thông báo cho bệnh nhân. Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, ung thư có liên quan đến tình trạng đau dữ dội, biến dạng, suy giảm chất lượng cuộc sống và tiên lượng xấu.
Các phương pháp điều trị ung thư cũng là những nỗi sợ hãi của người bệnh. Điều trị phẫu thuật là can thiệp nặng nề vì nó có thể dẫn đến thay đổi ngoại hình và những biến chứng rủi ro.
Hóa trị và xạ trị cũng liên quan đến các tình trạng buồn nôn, nôn, mệt mỏi và rụng tóc.
Rất nhiều người bệnh ung thư bị các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu dẫn đến làm giảm chất lượng cuộc sống, cũng như ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Can thiệp giúp giảm bớt gánh nặng về tâm lý đem lại những hiệu quả tích cực trong việc làm nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ung thư.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân mắc ung thư là rất cao. Các nghiên cứu tổng quan đã chỉ ra rằng có tới một nửa số bệnh nhân ung thư có một rối loạn tâm thần tại bất kỳ thời điểm nào. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về tỷ lệ rối loạn tâm thần ở những nhóm bệnh nhân khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần ở bệnh nhân ung thư
Dự đoán về tiên lượng xấu và giảm tuổi thọ đặc biệt khó khăn đối với những bệnh nhân trẻ tuổi. Ngay cả khi điều trị thành công, hầu hết bệnh nhân sống với nỗi lo lắng về sự tái phát của khối u. Bệnh tái phát thường liên quan đến những cơn đau nghiêm trọng và nhiều bệnh nhân sợ rằng các phương pháp điều trị giảm đau sẽ không còn hiệu quả.
Các phương pháp điều trị ung thư thường mang đến các trải nghiệm khó chịu. Những thay đổi về ngoại hình như phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để hay việc làm hậu môn nhân tạo ở bệnh nhân ung thư đại tràng khiến cho người bệnh cảm thấy khó chấp nhận và khiến họ có xu hướng giảm tự tin và hạn chế các mặt của đời sống xã hội.
Những phương pháp hóa trị hay xạ trị cũng là những trải nghiệm căng thẳng cho người bệnh. Ngoài ra, các thuốc hóa trị liệu, như vincristine và L-asparaginase có thể gây trầm cảm, hay steroid cũng gây ra các rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm.
Rối loạn tâm thần sau khi mắc ung thư có liên quan chặt chẽ với trạng thái tinh thần của bệnh nhân trước khi được chẩn đoán. Một mặt, việc chẩn đoán ung thư làm trầm trọng hơn hoặc có thể thúc đẩy tái phát rối loạn tâm thần trước đó. Mặt khác, có những nghiên cứu chỉ ra rằng, những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có xu hướng làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Hiệu quả của điều trị tâm lý đối với người bệnh ung thư
Bởi vì ung thư là bệnh mạn tính với một quá trình diễn biến có thể bị ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố sinh học và tâm lý. Các căng thẳng tâm lý trường diễn có thể gây ra rất nhiều gánh nặng về tâm lý và thể chất cho người bệnh. Do vậy các can thiệp tâm lý với mục tiêu hỗ trợ khả năng đối phó của người bệnh, giảm căng thẳng và nâng cao khả năng thích ứng của người bệnh là vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị bệnh.
Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý- Ung thư của Đại Học Miami coi việc điều chỉnh tâm lý là phương pháp phòng ngừa thứ cấp giúp làm giảm khả năng tái phát bệnh. Các nhà khoa học tại trung tâm này cho rằng ung thư vú là một bệnh mạn tính có thể bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng sinh học, hành vi và tâm lý xã hội. Các yếu tố tâm lý như sự lạc quan, chiến lược đối phó và hỗ trợ xã hội có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách thức người bệnh đáp ứng trong quá trình chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị bổ trợ.
Các chiến lược can thiệp như quản lý căng thẳng, nhận thức hành vi dựa trên trị liệu nhóm có thể trực tiếp cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng miễn dịch và có thể ngăn ngừa tái phát bệnh.
Có nhiều giả thuyết cho rằng yếu tố tâm lý trong việc đối mặt với bệnh ung thư ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Đã có các nghiên cứu làm căn cứ cho giả thuyết này. Greer và cộng sự đã xác định 4 phong cách đối phó khác nhau trên phụ nữ bị ung thư vú, bao gồm: chiến đấu, phủ nhận, thờ ơ vô cảm và bất lực/vô vọng. Ông cho thấy rằng những người có phong cách đối phó chiến đấu và phủ nhận có tiên lượng tốt hơn những người có phong cách thờ ơ vô cảm hoặc bất lực/vô vọng khi xét về kết quả không tái phát sau 5 năm.
Một nghiên cứu nổi tiếng được báo cáo bởi Spiegel và cộng sự nhận thấy thời gian sống sót ở bệnh nhân ung thư vú tăng lên đối với những người tham gia các cuộc họp nhóm hàng tuần cung cấp hỗ trợ thiết thực và giáo dục. Một phát hiện tương tự đã được báo cáo bởi Fawzy và cộng sự đối với những bệnh nhân ung thư hắc tố tham dự những nhóm tâm sinh lý.
Nghiên cứu tại Trung Quốc của Zhen và cộng sự trên những bệnh nhân ung thư xạ trị cho thấy các can thiệp tâm lý là một tiếp cận có hiệu quả và kinh tế giúp cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau xạ trị. Tuy nhiên can thiệp này không cho thấy làm giảm nguy cơ tái diễn và tử vong.
Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý- Ung thư của ĐH Miami coi việc điều chỉnh tâm lý là phương pháp phòng ngừa thứ cấp giúp làm giảm khả năng tái phát bệnh. Các nhà khoa học tại trung tâm này cho rằng ung thư vú là một bệnh mạn tính có thể bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng sinh học, hành vi và tâm lý xã hội.
Các yếu tố tâm lý như sự lạc quan, chiến lược đối phó và hỗ trợ xã hội có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách thức người bệnh đáp ứng trong quá trình chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị bổ trợ. Các chiến lược can thiệp như quản lý căng thẳng, nhận thức hành vi dựa trên trị liệu nhóm có thể trực tiếp cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng miễn dịch và có thể ngăn ngừa tái phát bệnh.
Đỗ Hiên