Các triệu chứng ung thư dễ nhầm tưởng là Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều trường hợp đã được ghi nhận về sự nhầm lẫn giữa bệnh ung thư và Covid-19 bởi vì các triệu chứng ban đầu đều quá giống nhau.

Một số triệu chứng cơ bản thường gặp của bệnh nhân Covid-19 được các chuyên gia cảnh báo là:

- Cảm thấy khó thở.

- Ho khan đi kèm với đau rát cổ họng.

- Sốt cao trên 37,5 độ C.

- Mệt mỏi, chán ăn.

- Đau tức ở lồng ngực.

- Chảy dịch ở mũi.

Tuy nhiên, những biểu hiện này lại vô tình trùng khớp với các dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư phổi, nên dễ khiến nhiều người nhầm tưởng mình đã nhiễm Covid-19. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, tại quốc gia này, chỉ trong tháng 11/2021 đã có 560 người bệnh xuất hiện các triệu chứng trên và đến viện kiểm tra Covid-19, nhưng sau đó đã được chẩn đoán ung thư phổi và phải nhập viện khẩn cấp. Một nghiên cứu tại đây cũng chỉ ra rằng, khoảng 74% số người có biểu hiện đáng ngờ của bệnh ung thư phổi nhưng lại không đi khám vì chủ quan, một phần là do dịch bệnh hoành hành khiến các cơ sở y tế trở nên quá tải. 

Tiến sĩ Jodie Moffat, người đứng đầu Viện nghiên cứu ung thư Anh quốc chia sẻ: "Đại dịch Covid-19 đã thực sự cản trở việc phát hiện ung thư phổi và đối với bệnh nhân ung thư phổi, việc này có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của họ. Vì chậm trễ vài tuần có thể tạo ra sự khác biệt trong việc điều trị".

Các triệu chứng ung thư dễ nhầm tưởng là Covid-19 - 1

Những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư phổi

Hút thuốc lá hoặc phơi nhiễm khói thuốc lá

Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ung thư phổi. Theo thống kê, có đến 80% trường hợp bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá trong nhiều năm. Bởi lẽ, trong khói thuốc lá chứa đến 7.000 tạp chất độc hại và vô số chất gây ung thư. Những chất này khi xâm nhập vào cơ thể đầu độc tế bào, làm suy giảm chức năng phổi và đột biến gen khiến tế bào phân chia không kiểm soát.

Ô nhiễm không khí

Các thành phần gây hại có trong không khí bị ô nhiễm là radon, amiăng, ether, niken, croma, bột than, asen, bụi mịn,... là tác nhân hình thành bệnh ung thư phổi. Đặc biệt là bụi mịn, vì chúng có kích thước rất nhỏ và bay lơ lửng trong không khí nên dễ dàng tiến sâu vào phổi, gây ảnh hưởng đến sự phân chia của các tế bào.

Bị bệnh phổi mãn tính

Những người mắc bệnh phổi mãn tính, chẳng hạn như bệnh lao, phổi silic, bệnh bụi phổi,... có khả năng rơi vào các trường hợp mắc ung thư cao. Ngoài ra, viêm phế quản và bệnh phổi mãn tính có thể gây ra sẹo xơ trong quá trình chữa bệnh. Đồng thời, vảy tế bào bình thường trong quá trình diễn tiến của bệnh có thể phát triển thành ung thư.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư thế giới, Việt Nam xếp thứ 56 trong số 158 quốc gia trên thế giới về số lượng bệnh nhân ung thư phổi. Trong năm 2018, nước ta đã ghi nhận đến hơn 33.600 ca mắc mới và gần 21.000 người tử vong vì căn bệnh này. Vì lẽ đó, mỗi người dân đều phải tự mình trang bị những kiến thức về bệnh ung thư phổi để phòng tránh và điều trị kịp thời, bởi phát hiện từ lúc bệnh "chớm nở" được xem là mấu chốt cho việc kéo dài tuổi thọ một cách đáng kể.

Theo www.thesun.co.uk