Các triệu chứng của ung thư khoang miệng

Hà An

(Dân trí) - Ung thư khoang miệng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, do triệu chứng của bệnh khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng.

Ung thư khoang miệng là bệnh lý ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng... Bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn,  khi tổn thương ung thư đã lan rộng, phá hủy nhiều cấu trúc lân cận. Do đó tiên lượng sống của bệnh nhân bị giảm nhiều, điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao.

Các triệu chứng của ung thư khoang miệng - 1

Dấu hiệu ung thư khoang miệng

Các triệu chứng của ung thư miệng bao gồm:

- Vết loét trên môi hoặc miệng lâu lành

- Chảy máu miệng

- Răng lung lay

- Đau hoặc khó nuốt

- Khó đeo răng giả

- U trong cổ

- Đau tai không khỏi

- Giảm cân nhiều

- Tê môi dưới, mặt, cổ hoặc cằm

- Các mảng trắng, đỏ và trắng, hoặc đỏ trong hoặc trên miệng hoặc môi của bạn

- Đau họng

- Đau hoặc cứng hàm

- Đau lưỡi

Một số triệu chứng chẳng hạn như đau họng hoặc đau tai, có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là nếu chúng không biến mất hoặc bạn có nhiều triệu chứng cùng một lúc, hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ càng sớm càng tốt.

Phòng ung thư khoang miệng

Theo BS Hoàng Đào Chinh, khoa Xạ trị-Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 (Hà Nội), Hiện nay, nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư khoang miệng đã được công bố: thuốc lá, rượu bia, kích thích cơ học (răng có bờ sắc cạnh, răng giả chất lượng kém…), kích thích hóa học (chất cay, thực phẩm có hàm lượng muối cao…), tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng (viêm quanh răng, viêm xoang hàm), nhiễm virus (các virus viêm gan, HPV…), tuổi. Trong những yếu tố này, thuốc lá và rượu bia là hai yếu tố có mối liên quan phổ biến nhất với ung thư khoang miệng.

Cách phòng tránh căn bệnh ung thư miệng:

- Không hút thuốc lá

Thuốc lá là tác nhân của hầu hết trường hợp ung thư miệng. Từ bỏ thuốc lá là bạn đã loại bỏ được nguyên nhân rất lớn gây ra căn bệnh này.

- Hạn chế uống rượu

Nguy cơ ung thư khoang miệng tăng gấp sáu lần ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu. Vì vậy, tốt nhất là bạn không nên uống rượu. 

- Giữ vệ sinh răng miệng

Tình trạng răng miệng kém vệ sinh có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư. Bởi vậy việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư miệng. Hãy bảo đảm rằng bạn luôn đánh răng và dùng chỉ nha khoa để xỉa răng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. 

Nếu không muốn mắc ung thư khoang miệng, bạn nên đánh răng sáng và tối đúng cách, thay bàn chải răng định kỳ. Bạn cần thực hiện kiểm tra sức khỏe răng miệng ít nhất hai lần mỗi năm.

- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời

Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Do đó, bạn hãy luôn đeo khẩu trang hoặc thoa kem dưỡng môi chống nắng để bảo vệ đôi môi bất cứ khi nào phải ra ngoài vào lúc trời nắng gắt. Ung thư môi sẽ dẫn đến ung thư biểu mô khoang miệng. 

- Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần/năm.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật. Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư biểu mô khoang miệng, bạn cần nhiều loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn hàng ngày. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm này được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng.