Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến
(Dân trí) - Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến, phù hợp với từng giai đoạn bệnh. Trong đó, ở giai đoạn đầu cơ hội chữa khỏi cao nhất, có thể loại bỏ tế bào ung thư hoàn toàn.
Ung thư tiền liệt tuyến là loại u ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt của nam giới. Ước tính có 1.3 triệu ca mới mắc và 359.000 ca chết liên quan đến ung thư tiền liệt tuyến trên thế giới vào năm 2018.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Tuy nhiên nam giới trong độ tuổi sinh sản là những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao nhất.
Bệnh có nguy cơ cao hơn ở những người có tiền sử người thân trong gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt; Những người béo phì; Những người thường xuyên ăn đồ ăn nhanh giàu chất béo; Người thường xuyên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Ung thư tuyến tiền liệt được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Khối u mới hình thành.
Giai đoạn 2: Khối u chưa phát triển lớn.
Giai đoạn 3: Ung thư đã xâm lấn sang mô lân cận.
Giai đoạn 4: Ung thư di căn qua máu và bạch huyết đến xương, gan, phổi.
Ung thư tuyến tiền liệt có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu. Ở giai đoạn đầu, khi bệnh còn nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các tế bào ung thư tận gốc.
Theo đó, bệnh nhân sẽ được xạ trị, cắt bỏ tuyến hạch huyết ở vùng chậu. Việc kết hợp quá trình điều trị tích cực sẽ giúp khả năng khỏi bệnh tăng cao.
Trong khi đó, nếu ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn, khả năng thành công khi điều trị sẽ thấp hơn nhiều. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối gồm: Hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết tố, phẫu thuật cắt đi tuyến tiền liệt.
Tại Việt Nam phần lớn bệnh nhân đến viện được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã di căn xa. Các vị trí di căn hay gặp của ung thư tiền liệt tuyến là xương, hạch ổ bụng, phổi, gan, hiếm khi di căn não.
Ở giai đoạn này, khi ung thư tiền liệt tuyến đã di căn, mục tiêu điều trị nhằm cải thiện các triệu chứng hiện tại của người bệnh, đảm bảo chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Ở giai đoạn này, bệnh nhân có thể phải cắt tinh hoàn. Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn di căn xa nên được bắt đầu bằng cắt tinh hoàn.
Dù phần lớn người bệnh nhạy cảm với cắt tinh hoàn, tuy nhiên bệnh gần như luôn luôn tiến triển thành kháng cắt tinh hoàn. Vì thế, ở giai đoạn di căn, bệnh nhân hầu như phải chấp nhận phương án này.
Trong quá trình điều trị, có thêm rất nhiều loại thuốc, tùy từng bệnh nhân cụ thể với các giai đoạn cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Nhưng cần nhấn mạnh, việc phát hiện sớm khả năng có thể mắc ung thư tiền liệt tuyến sẽ giúp người bệnh được điều trị ở giai đoạn sớm, tỉ lệ thành công cao.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nam giới cần đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như tiểu khó, đi tiểu nhiều lần; Bí tiểu, tiểu không tự chủ; Tia nước tiểu nhỏ... nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị nếu bị ung thư.