Các ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất đã được "khóa chặt"

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là người trực tiếp tham gia Đoàn công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương. Theo ông, tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được "khóa chặt", không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại công ty Poyun, Chí Linh, Hải Dương. Ngoài ra các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay. 

Tuy nhiên, theo PGS Dương chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. "Chính vì vậy tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất", PGS Dương lưu ý.

Các ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất đã được khóa chặt - 1
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Đợt dịch lần này cho đến nay đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành phố, trong đó số ca ghi nhận nhiều nhất tại tỉnh Hải Dương. Có thể nói ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả các địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất. Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động một lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai với số lượng lên đến hàng nghìn người. 

"Có thể nói cho đến ngày 6/2 tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt", TS Dương nhận định.

Theo PGS Dương Chiến lược gộp mẫu (từ 5 lên 10-12) hoàn toàn có cơ sở khoa học vững chắc và rõ ràng. Có rất nhiều nghiên cứu quốc tế cũng như nhiều nước đã áp dụng chiến lược này.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhậy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi ta làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy mà Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc.

Các ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất đã được khóa chặt - 2

Theo đó, sẽ tiến hành gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm.

Chuyên gia khuyến cáo mọi người, mọi nhà thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không tụ tập, giữ khoảng cách và khai báo y tế.

Người dân không nên đi đến những vùng đang có dịch. Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết, thay vào đó có thể chúc tết qua mạng, qua các ứng dụng Internet, nhắn tin, gọi điện… Thay vì mừng tuổi lì xì bằng tiền mặt hoặc bằng bao lì xì thì có thể gửi thiệp chúc mừng qua mạng.

"Tôi nghĩ trong lúc này mọi người cũng đều thông cảm cả và đều hiểu rằng trong lúc này an toàn mới là quan trọng nhất", PGS Dương nói.

Gấp rút triển khai Bệnh viện dã chiến tại Điện Biên

Các ổ dịch Covid-19 nguy hiểm nhất đã được khóa chặt - 3
Bệnh viện dã chiến tại Điện Biên đang gấp rút được thành lập.

Trưa 6/2, 5 cán bộ thuộc phòng Vật tư-Thiết bị Y tế của Bệnh viện Bạch Mai là những chuyên gia có kinh nghiệm tham gia xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Hải Dương đã có mặt tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) và bắt tay ngay vào công việc xây dựng bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cơ sở Trung tâm y tế TP Điện Biên Phủ.

Do vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, cùng với thông tin có các ca dương tính SARS-CoV-2, TP Điện Biên Phủ gần như vắng bóng người, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ vật tư, thiết bị y tế đều đóng cửa, gây rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị, mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ xây dựng.

Vì vậy, các cán bộ y tế đã phải chuẩn bị hàng loạt thiết bị y tế và từng chiếc ốc vít nhỏ mang từ Hà Nội lên Điện Biên, trong khi bình thường có thể thuê, mua tại chỗ.

Quy mô Bệnh viện dã chiến có thể lên đến 250-300 giường bệnh khi cần, trong đó có 20 giường hồi sức tích cực nhằm triển khai các kỹ thuật hồi sức cao nhất như thở máy hiện đại, lọc máu liên tục, tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO)… phục vụ điều trị.