Các loại đường tác động đến gan như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Có nhiều loại đường khác nhau, được tìm thấy trong thực phẩm và chúng có cách tác động riêng đến sức khỏe.

Glucose là một loại đường đơn, khi vào cơ thể glucose được hấp thụ trực tiếp qua niêm mạc ruột non đi vào máu rồi được vận chuyển đến các tế bào. Loại đường này làm tăng nồng độ đường trong máu nhanh hơn so với các loại khác, kích thích giải phóng insulin. Glucose có thể được chuyển hóa bởi tất cả các mô trong cơ thể.

Các loại đường tác động đến gan như thế nào? - 1

Fructose, hay còn được gọi là "đường trái cây", cũng là một loại đường đơn tương tự glucose, được tìm thấy nhiều trong các loại quả, rau củ, mật ong, mía bánh kẹo các loại. Fructose sau khi hấp thụ vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành glucose ở gan để tạo thành năng lượng và chỉ có gan là cơ quan duy nhất biến đổi được fructose.

Các loại đường tác động đến gan như thế nào? - 2

So với fructose, glucose có vị ít ngọt hơn và làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn. Tuy nhiên, xét về các tác động đến gan và sức khỏe thì fructose có ảnh hưởng tiêu cực đến gan hơn so với glucose mặc dù chúng có cùng hàm lượng calo.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều fructose có thể làm hỏng khả năng giải phóng chất béo thích hợp của gan. Fructose chỉ được chuyển đổi ở gan, do đó nếu lượng fructose bị dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho gan, đồng thời có thể dẫn đến các vấn đề khác về trao đổi chất.

Theo Giáo sư C. Ronald Kahn (Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ), lượng fructose cao trong chế độ ăn uống là không tốt. Fructose ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của gan, làm cho quá trình đốt cháy chất béo kém hơn. Do vậy, việc thêm nhiều đường fructose vào chế độ ăn uống sẽ khiến gan tích trữ nhiều chất béo hơn, điều này gây hại cho gan và ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Không những thế, ăn lượng lớn đường fructose có thể làm tăng mức chất béo trung tính trong máu và làm tăng nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Các loại đường tác động đến gan như thế nào? - 3

Ngoài ra, đường fructose làm tăng hormone "đói" ghrelin nên có thể khiến cơ thể cảm thấy ít no hơn sau khi ăn, do vậy, so với glucose thì fructose có thể thúc đẩy cơ thể ăn nhiều hơn, dẫn đến tăng cân.

Tuy nhiên đừng quá lo lắng vì tác động tiêu cực của fructose đối với sức khỏe chỉ xảy ra khi chúng ta ăn quá nhiều và không cân đối liều lượng. Trái cây không chỉ có fructose mà còn chứa nhiều chất xơ, nước và các khoáng chất có lợi giúp giảm thiểu các bất lợi của fructose.

Để duy trì được một thân hình cân đối và cơ thể khỏe mạnh, điều quan trọng là phải tuân theo một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, ăn nhiều trái cây, rau củ, uống nhiều nước, hạn chế dầu mỡ và chất béo. Thực tế tất cả các dinh dưỡng đa lượng và vi lượng đều cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên việc tiêu thụ quá mức bất kỳ một thành phần nào trong chế độ ăn uống đều là sai lầm có thể gây hại cho sức khỏe.