1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Các labo “phát minh” bệnh mới?

Ngành công nghiệp dược phẩm phương Tây không hẳn đã hoàn toàn “sạch”. Nhiều loại dược phẩm đã được thương mại hoá một cách triệt để, từ những chiến dịch quảng bá rầm rộ đến việc huy động nhiều bác sĩ chuyên ngành vào cuộc, đánh trúng tâm lý “muốn được sống khoẻ và trên hết, sợ chết”!

Không ngừng xuất hiện bệnh mới

 

Từ khi xuất hiện đến nay (9 năm), đã có hơn 23 triệu quý ông trên toàn cầu “làm bạn” với Viagra, một loại viên nén hình thoi màu xanh do hãng Pfizer bào chế. Chỉ riêng năm 2005, hãng đã thu về 1,6 tỉ đôla từ loại thuốc “kỳ diệu” này. Và bây giờ đến triều đại của miếng băng dán dành cho quý bà? Một loại dược phẩm mới vừa xuất hiện trong tháng 1/2007 tại các hiệu thuốc châu Âu: miếng thuốc dán Intrinsa - “Viagra dành cho nữ giới”. Liệu đây có phải là một cuộc cách mạng trong y học? Có thể vậy.

 

Vấn đề là ở chỗ mặc dù được Emea - một cơ quan châu Âu có thẩm quyền như FDA Hoa Kỳ - cho phép thương mại hoá sản phẩm này nhưng các giám định viên của Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo rằng hãng Procter & Gamble Pharmaceuticals chưa thẩm định kỹ lưỡng về các tác dụng phụ có thể có của Intrinsa khi tung nó ra thị trường.

 

Nhưng Hãng dP&G Pharmaceutical dường như không đếm xỉa tới lời khuyến cáo. Trước sự cẩn trọng của người Mỹ, để chứng minh hiệu quả tốt của miếng dán Intrinsa, một nghiên cứu bỏ túi đã được thực hiện và kết luận rằng hiện có đến 43% nữ giới trong độ tuổi 18-59 đang bị chứng “rối loạn chức năng tình dục”. Và đó hẳn là những khách hàng tiềm năng của Intrinsa.

 

Giới nghiên cứu khoa học phản biện. Họ nghi ngờ kết quả điều tra trên và cho rằng đây chỉ là một thủ thuật “tung hoả mù” và là một cách điều trị với “liệu pháp tìm khoái cảm theo chỉ định của bác sĩ”. Phóng viên Ray Moynihan đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này trong một bài viết trên ấn bản The British Medical Journal tháng 4/2005, khi cáo buộc Procter & Gamble Pharmaceuticals đã ngang nhiên “chế” ra khái niệm “rối loạn chức năng tình dục nữ” chỉ với mục đích bán được nhiều miếng dán Intrinsa. Ray viết: “Khái niệm “rối loạn chức năng tình dục nữ” ra đời là bằng chứng ấn tượng nhất cho cách thức mà ngành công nghiệp dược phẩm sử dụng để biện minh cho việc “tự sáng tạo” ra một căn bệnh mới”.

 

Trên thực tế, bản danh sách các căn bệnh “mới” và “kỳ lạ” ngày càng dài thêm cùng với những phương pháp điều trị mới được hướng dẫn. Đây quả thật là sự thông đồng giữa một bên là việc phát hiện bệnh và bên kia là việc thương mại hoá các phương pháp điều trị tương ứng. Hiện tượng này nay đã có tên riêng “disease mongering” (buôn bán bệnh tật) với ngụ ý rằng đây là một chiến lược tiếp thị vô cùng chuyên nghiệp nhằm vào các đối tượng giàu có nhưng luôn lo sợ mình bị lão hoá, bệnh tật. Một nhà báo người Đức đã thẳng thực vạch rõ mục tiêu của chiến lược này là “biến người khoẻ thành bệnh nhân”.

 

Nhưng quan trọng hơn cả, các hãng dược phẩm đã đánh trúng tâm lý “yếu muốn khỏe”, “khoẻ muốn khoẻ hơn”.  Tuy nhiên, vấn đề là người “yếu” có thật sự “yếu”? Vẫn chưa có đáp số chung nhưng rõ ràng ngành công nghiệp dược phẩm đang cố gắng khai thác triệt để “mảnh đất vô cùng màu mỡ” này. Sự thật chỉ có thế!

 

Dược phẩm “nhắm” vào đâu trên cơ thể bệnh nhân?

 

Các loại thuốc đặc trị chiếm 27% thị trường dược phẩm thế giới. Và có những phần cơ thể của chúng ta mà dược phẩm “thích” nhất vì chúng giúp mang lại doanh số cao do phải dùng lâu dài!

 

1. Dạ dày (21,4 tỉ euro)

 

Thuốc kháng loét được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân loét dạ dày, dư axít và chứng trào ngược thức ăn lên thực quản.

 

2. Não (38 tỉ euro)

 

Đây là mục tiêu của các loại thuốc chống trầm cảm (28,8 tỉ euro) và thuốc chống động kinh (9,2 tỉ euro).

 

3. Thận (9,8 tỉ euro)

 

Hoạt chất érythropoiétine dùng điều trị căn bệnh thiếu hồng cầu mạn tính ở những bệnh nhân xanh xao do suy thận. 

 

4. Tim mạch (46,8 tỉ euro)

 

Các loại thuốc chống tăng huyết áp (20,9 tỉ euro) và chống cholesterol (25,9 tỉ euro) không chỉ dùng cho người mắc bệnh mà còn được kê toa cho những đối tượng bị cho là có nguy cơ mắc các căn bệnh này.

 

5. Tế bào ung thư (22,8 tỉ euro)

 

Các loại thuốc ngưng bào (ngăn tế bào phát triển) được sử dụng trong phương pháp hoá trị rất đắt tiền. 

 

6. Tuyến tuỵ (8,6 tỉ euro)

 

Bệnh tiểu đường tuýp I hay II đều cần đến insuline và các loại thuốc đặc trị suốt đời.

Dược phẩm - Món hàng rao bán bằng mọi giá

 

Cách tiếp thị đầu tiên là “nghiên cứu mở rộng các ứng dụng điều trị của một sản phẩm thuốc nhằm lôi kéo một lượng bệnh nhân tối đa”, mà điển hình là trường hợp miếng dán Intrinsa. Prescrire, một tạp chí chuyên ngành y và độc lập với ngành công nghiệp dược phẩm đã bình luận: “Trong trường hợp này, không ai có thể cân đong đo đếm được gì cả. Hẳn nhiên là có những phụ nữ không hoặc chưa hài lòng về đời sống tình dục của mình, nhưng phải chăng đó là một căn bệnh? Chúng ta thấy rõ vì muốn mở rộng thị trường kinh doanh dược phẩm, các viện bào chế đã thổi phồng lên một vài rối loạn nhỏ về mặt cảm xúc của con người thành một căn bệnh nghiêm trọng”.

 

Phương pháp thứ hai là “bệnh lý hoá các tiến trình bình thường của sự sống”. Thành công của phương pháp này được dẫn chứng ở số lượng đông đảo các quý ông độ ngũ tuần có thể sung sướng và hãnh diện khi được hướng dẫn điều trị chứng hói đầu theo “bài thuốc” của labo Merch (Hoa Kỳ). Và một dẫn chứng khác: bản tính “hơi nhút nhát” của một số người trong giao tiếp xã hội đã được các labo “nâng cấp” lên thành “hội chứng sợ hãi đám đông”, như thể đó là những triệu chứng bệnh lý nghiêm trọng. Để từ đó, hãng GlaxoSmith-Kline của Anh mới có thể tìm được đầu ra cho loại thuốc chống trầm cảm Deroxat của mình!

 

Và phương pháp thứ ba: “diễn đạt một yếu tố nguy cơ thành một căn bệnh”. Có thể trích dẫn dưới đây nguyên văn từ tạp chí Prescrire để có được một cái nhìn toàn cảnh về phương pháp tiếp thị này: “Cao huyết áp và cholesterol không được định nghĩa là “bệnh”, mà đó chỉ là những “yếu tố nguy cơ” về tim mạch. Một vài bệnh nhân có cholesterol cao hoặc huyết áp động mạch cao chưa hẳn sẽ mắc các chứng bệnh tim mạch. Vậy thì bác sĩ nên phải can thiệp ở mức nào? Kết quả là họ hạ thấp chỉ số ngưỡng này xuống để số bệnh nhân sẽ tăng lên! Điều này có nghĩa rằng chỉ số ngưỡng sẽ được tính toán dựa trên chiến lược kinh doanh của các công ty dược phẩm. Và phương pháp này sẽ thu lợi cao khi mà, theo các tiêu chuẩn hiện nay, nhiều viện bào chế có thể thắng lớn nhờ bán được những chủng loại thuốc xem ra kém hiệu quả điều trị trên lâm sàng”.

 

Thị trường dược - “Bình mới rượu cũ”

 

 

Các labo “phát minh” bệnh mới?  - 1
 

 

Có nhiều cách lý giải ngoạn mục cho vấn đề này. Nhiều chuyên viên y tế đã đồng ý cho rằng càng về sau này, số lượng các loại thuốc chữa bệnh được nghiên cứu và bào chế mới đã không còn ồ ạt như cách đây vài thập niên.

 

Tại châu Âu, sau chiến tranh là một thời kỳ huy hoàng của ngành dược phẩm. Khi đó, y học đã miệt mài nghiên cứu để cho ra đời nhiều phương pháp và sản phẩm thuốc điều trị hiệu quả cao phục vụ đại bộ phận công chúng, như các loại thuốc chống cao huyết áp, thuốc trợ tiêu, nhiều loại thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc kháng viêm cho đến các thế hệ đầu tiên của loại thuốc tránh thai dạng uống. Nhưng hiện nay, phần lớn nhu cầu về chăm sóc y tế của đại bộ phận dân chúng trong cộng đồng ít nhiều gì cũng đã được thoả mãn, dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa”. Theo lời của phó chủ tịch Nghiệp đoàn các doanh nghiệp dược phẩm Pháp (Leem) là Bernard Lemoine, “hiện đang có một lỗ hổng trong ngành công nghiệp dược phẩm”.

 

Theo thống kê của các đơn vị quản lý dược tại Pháp, chỉ có 3 trên tổng số 108 sản phẩm thuốc chữa bệnh là “thuốc mới”, xét trên lĩnh vực hiệu quả điều trị. Còn lại 18 loại khác là những sản phẩm “được đại tu”, và 87 sản phẩm còn lại chỉ là những sản phẩm “hoàn toàn cũ”.

 

Theo giới chuyên môn tại Mỹ, hiện nay tìm được một công thức bào chế tân dược mới như thể “mò kim đáy biển” nên thay vì phải đầu tư kinh phí lớn và trang thiết bị hiện đại cho việc nghiên cứu nhằm tìm ra những chủng loại thuốc mới tốt hơn, người ta sẽ đi tìm những… bệnh nhân mới! Và nếu tìm không được thì người ta sẽ cố “nặn ra” cho bằng được những bệnh nhân đó!

 

Và nhiều chiêu thức tiếp thị đã được khai thác triệt để. “Để ra được các hiệu thuốc tây, một vài dược phẩm được “rao bán” trước thông qua các phương tiện truyền thông hoặc qua các hội thảo y học nhằm tạo sự chú ý của công chúng”, như lời khẳng định của Noel Renaudin, chủ tịch ban kinh tế lo về các sản phẩm sức khoẻ của Pháp. Sau đó, khi được tung ra thị trường, các bác sĩ đã ưu tiên kê toa và thúc giục bệnh nhân hãy nhanh chóng mua chúng.

 

Tất nhiên, để có được những thành công như mong muốn, viện bào chế phải có được những dược phẩm “mạnh”, những hồ sơ nghiên cứu “nặng ký” nhằm thuyết phục giới bác sĩ và công chúng rằng các dược phẩm này có tác dụng điều trị vượt trội trong khi các phản ứng phụ thì không đáng kể. Và thế là, theo giải thích của một cựu viên chức làm việc trong ngành công nghiệp dược, “các nhà sản xuất dược phẩm đã bằng mọi giá để tìm ra và thuyết phục các chuyên gia đầu ngành soạn thảo những tài liệu sao cho đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn của loại thuốc mà họ muốn tung ra thị trường”.

 

Sau khi dược phẩm được cấp phép tiêu thụ, đối tượng kế tiếp mà ngành công nghiệp dược đặt nhiều kỳ vọng chính là bác sĩ điều trị. Họ mời các bác sĩ chuyên ngành đến phát biểu tại các buổi hội thảo, thuyết trình và đến dự những buổi tiệc linh đình, kể cả sắp đặt một đội ngũ trình dược viên đông đảo vây quanh. Nói không ngoa, ngành công nghiệp dược đã biết chăm sóc… bác sĩ trước khi chăm sóc bệnh nhân! Cụ thể tại Pháp, mỗi năm một bác sĩ có thể tiếp đến 30 - 40 chuyến đi tiếp thị của các trình dược viên với lý do “cung cấp thêm thông tin về thuốc hoặc giới thiệu những hướng dẫn sử dụng mới”. Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa cũng thường xuyên được mời tham gia viết những bài nghiên cứu y học “theo đơn đặt hàng” của các viện bào chế.

 

Nhiều căn bệnh đã được “mổ xẻ” một cách “quá tay”

 

 

Các labo “phát minh” bệnh mới?  - 2
 

 

Có nhiều cách để khuếch trương hợp pháp một chiến dịch quảng cáo thuốc. Nói và giải thích tường tận về các căn bệnh là một ví dụ. Hoạt động này sẽ khơi dậy trong suy nghĩ bệnh nhân những lợi ích thiết thực mà loại thuốc đó mang lại, từ đó “kéo” bệnh nhân đến các phòng khám.

 

Song song đó, nhiều chiến dịch xét nghiệm tìm hiểu bệnh tật, cùng với nhiều bài viết trên các báo và tạp chí nhằm giới thiệu chi tiết các triệu chứng bệnh mới đã giúp các “chiến lược gia dược phẩm” có điều kiện tìm hiểu và khoanh vùng nhiều đối tượng bệnh nhân-khách hàng tiềm năng.

 

Tháng 9/2004, khi đề cập chủ đề rối loạn cương dương nam giới, hãng Lilly và Hiệp hội Phát triển thông tin và nghiên cứu tình dục Pháp đã tung ra 3 đoạn phim quảng cáo, trong đó một nam giới, một phụ nữ và một cặp vợ chồng xuất hiện và giải thích cách mà họ đã làm để tìm lại được một đời sống tình dục hài hoà. Trước đó, hãng Pfizer cũng đã “thổi bùng” lên vấn đề nhạy cảm này với sự góp mặt của ngôi sao bóng đá huyền thoại Pelé. Và gần đây nhất, tháng 10/2006, một chiến dịch tuyên truyền về hoạt động phòng chống cholesterol đã nhắm đến các đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi 16 - 30. Phương cách tiếp thị của họ là: mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng bệnh này, có thể ngay từ tuổi vị thành niên, thậm chí ở trẻ em.

 

Nhằm nâng cao tính thuyết phục của dược phẩm, nhiều viện bào chế đã công bố các con số thống kê khiến công chúng hoảng sợ: 43% phụ nữ bị rối loạn tình dục; 150 triệu nam giới bị rối loạn cương dương; 3 - 5% trẻ em ở độ tuổi 6 - 11 bị suy giảm khả năng tập trung trí nhớ… Một quan chức giấu tên của một hội bảo vệ sức khoẻ ở Pháp khẳng định: “Để dược phẩm tiêu thụ nhanh trên thị trường, các labo thực hiện nhiều chuyến ngoại giao lobby đến các hiệp hội bảo vệ quyền lợi bệnh nhân. Điển hình là trường hợp điều trị hormone cho phụ nữ mãn kinh. Các dược phẩm đặc trị này đã không được kiểm nghiệm khoa học đầy đủ, nhưng vẫn được sử dụng vô tội vạ do áp lực từ các hiệp hội bảo vệ sức khoẻ phụ nữ. Hiện nay, có nhiều hiệp hội quần chúng hoàn toàn được “nuôi dưỡng” từ nguồn kinh phí tài trợ của các viện bào chế, kể cả có được hội sở, máy vi tính và cả thư ký”.

Suy cho cùng, nhiều labo đã trở thành “bậc thầy” trong nghệ thuật thuyết phục khách hàng, từ một người hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng chẳng mấy chốc đã phải tin là mình đang bị hoặc có nguy cơ mắc phải một chứng bệnh nào đó trong tương lai!

 

Năm 2005 tại Mỹ, các viện bào chế đã chi 29,8 tỉ euro cho việc tiếp thị dược phẩm so với 23,9 tỉ euro dành cho nghiên cứu.

 

Chính chủ tịch Noel Renaudin đã nhìn nhận: “Đôi khi một số loại thuốc đã “lỡ” được sản xuất ra quá sớm, đã “đi trước thời đại”, nên sẽ được các viện bào chế gấp rút tiêu thụ cho bằng hết và bằng mọi giá vì thời hạn cấp phép sản xuất là tương đối ngắn. Quan trọng hơn cả, những năm đầu tiên sau khi thuốc được tung ra thị trường sẽ là giai đoạn sinh lợi nhiều nhất. Do đó, cả bác sĩ và bệnh nhân đều được hướng dẫn để sẵn sàng lao vào một cuộc chinh phục những dược phẩm mới, và từ đó rất “đành đoạn” quay lưng lại với những nhãn hiệu thuốc đã quá quen thuộc nhưng chưa hẳn đã kém tác dụng điều trị. Nói chung, một khi đã thâm nhập được vào thị trường dược phẩm, những loại thuốc mới sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu khách hàng tiềm năng mà các ông chủ ngành dược phẩm đã tính toán kỹ từ trước đó”.

 

Cuối cùng, dù sao đi nữa, xu hướng “thương mại hoá bệnh tật” hiện nay vẫn đang đứng vững trên một nền tảng vững chắc của một tâm lý cố hữu mà không một quy định hay quy chế hành chính nào có thể phá vỡ được mà đoạn lý giải trong tạp chí y học quốc tế PLoS Medicine tháng 4/2006 đã đề cập rẫt rõ rằng: “Ngành kinh doanh dược phẩm đang biết khai thác tối đa tâm lý lo âu và sợ hãi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người chúng ta, đó là nỗi lo sợ đau đớn, bệnh tật và sợ chết!”. Vậy ra để ngày càng bán được nhiều thuốc, ngành kinh doanh dược phẩm càng lúc càng xoáy sâu vào tâm lý lo sợ của công chúng về đủ mọi vấn đề sức khoẻ. Và họ phải “xoáy” sao cho điệu nghệ nhất để đây là một thị trường kinh doanh không bao giờ bị bão hoà.

 

Những “quả bom nổ chậm”

 

 

Các labo “phát minh” bệnh mới?  - 3
 

 

Có những loại thuốc sau khi được sử dụng đã trở nên nguy hiểm hơn so với người ta tưởng! Ví dụ như Vioxx, một loại thuốc kháng viêm đã bị thu hồi từ tháng 9/2004 do có tác dụng nguy hiểm lên hệ tim mạch.

 

Cũng vào mùa xuân năm 2004, các loại thuốc chống trầm cảm được gọi là “thế hệ mới”, trong đó có Prozac, đã bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra hiện tượng thanh thiếu niên muốn tự tử gia tăng.

 

Vào tháng 8/2001, thuốc Cérivastatine chống cholesterol của hãng Bayer đã được giới thiệu như một loại thuốc điều trị “thế hệ mới”, nhưng cuối cùng đã bị thu hồi khỏi thị trường tân dược do bị nghi ngờ đã gây ra trên thế giới hơn 1.000 ca bệnh được gọi là “phá huỷ cơ vân” (tạo ra những tổn thương nghiêm trọng trên cơ bắp), trong đó 52 ca đã tử vong.

 

Theo Cao Văn

Sài Gòn tiếp thị/ Ca m’intéresse