Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu

Cẩm Tú

(Dân trí) - Đau đầu là một trong những rối loạn phổ biến nhất ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Đau đầu có thể đột ngột hoặc âm ỉ liên tục; đau đầu có thể khá đáng sợ và khiến bạn khó hoạt động bình thường.

Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm chế độ ăn, mất nước, môi trường làm việc và gia đình, cũng như sức khỏe tổng thể. Trong hầu hết các trường hợp, đau đầu tương đối vô hại, tuy nhiên, ở một số trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, u não hoặc phình động mạch.

Bấm huyệt chữa đau đầu

Thường thì bạn sẽ uống thuốc để giảm đau; tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ khác nhau. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp điều trị an toàn cho chứng đau đầu thì bấm huyệt chính là câu trả lời.

Bấm huyệt là một trong những kỹ thuật chữa bệnh lâu đời nhất mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất của nó là có thể thực hiện ngay ở chỗ làm hoặc ở nhà hoặc bất kỳ nơi nào.

Bấm huyệt là kỹ thuật sử dụng các ngón tay, lòng bàn tay, khuỷu tay, bàn chân hoặc các thiết bị cụ thể để tạo áp lực lên các điểm thiết yếu khác nhau của cơ thể. Nó cũng bao gồm kéo giãn hoặc xoa bóp.

Bấm huyệt có tác dụng phục hồi sức khỏe, thể lực và sự ổn định của cơ thể, bằng cách cân bằng âm dương. Nghệ thuật chữa bệnh cổ xưa này giúp kích thích khả năng tự chữa lành tự nhiên của cơ thể và có hiệu quả đối với các bệnh do stress và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Bấm huyệt bàn tay và bàn chân được gọi là reflexology và có thể được thực hiện thoải mái tại nhà. Các huyệt trên cơ thể cực kỳ nhạy cảm và có thể giúp kích thích cơ thể giảm đau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực đối với sức khỏe khi tác động vào các huyệt. Nó không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp cải thiện sức khỏe chung và khôi phục sự cân bằng trong cơ thể. Dưới đây là những điểm bấm huyệt chính giúp giảm đau đầu nhanh chóng.

1. Ấn đường: Huyệt Ấn đường còn được gọi là con mắt thứ ba, nằm trên trán chính giữa đầu trong 2 cung lông mày. Dùng ngón tay cái ấn nhẹ lên huyệt này. Thực hiện liên tục cách nhau khoảng vài giây đến một phút. Ấn mạnh vào huyệt này được khẳng định là có thể giúp giảm tức nặng ở xoang và mắt, là một trong những nguyên nhân chính gây đau đầu.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 1

2. Nội quan: Huyệt Nội quan nằm ở khe giữa ngón cái và ngón trỏ. Có thể giảm đau bằng cách dùng ngón cái và ngón trỏ của tay bên kia kẹp thật chắc (không đau) vào vùng này. Sau đó, dùng ngón cái day tròn theo một chiều trong 10 giây và sau đó theo chiều ngược lại cũng bằng ấy thời gian. Bấm và day huyệt này giảm căng nhức ở đầu và cổ.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 2

3. Thái xung: Huyệt thái xung nằm ở khe giữa ngón chân cái và ngón thứ hai. Bất cứ khi nào bạn bị đau đầu, hãy ấn vào huyệt này. Sử dụng ngón tay cái ấn liên tục trong vài giây để giảm đau đầu ngay lập tức.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 3

4. Suất cốc: Ép đỉnh vành tai vào sát da đầu, sau đó đo lên phía trên 1 đốt ngón tay là huyệt Suất cốc. Có 5 huyệt nằm theo đường vòng cung bao gồm các huyệt Suất cốc, Thiên xung, Phù bạch, Đầu khiếu âm và Hoàn cốt. Sử dụng cả năm đầu ngón tay bấm nhẹ đồng thời lên cả 5 huyệt, giúp giảm đau đầu nghiêm trọng ngay lập tức.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 4

5. Phong trì: Huyệt Phong trì nằm giữa tai và cột sống ở phía sau đầu, chính xác giữa đường giao nhau của hai cơ. Ấn nhẹ lên các huyệt này giúp giảm đau đầu do nghẹt mũi nặng và cảm lạnh. Cách làm: Đặt ngón trỏ và ngón giữa của một trong hai bàn tay và ấn mạnh lên trên cả hai bên cùng một lúc trong 10 giây. Lặp lại cho đến khi cơn đau giảm bớt.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 5

6. Toản trúc: Huyệt nằm ở góc trong của mắt ngay dưới lông mày. Bấm huyệt này có thể giảm đau đầu do xoang và cảm lạnh. Dùng hai ngón trỏ ấn mạnh và đều lên huyệt đó, giữ trong 10 giây và lặp lại.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 6

7. Nghinh hương: Nằm sát hai bên cánh mũi. Bấm huyệt này giúp giảm đau đầu do xoang.

Các điểm bấm huyệt tốt nhất để chữa đau đầu - 7

Thận trọng:

Tránh bấm huyệt trong các trường hợp sau: Huyệt nằm dưới vết đứt, vết bầm tím, mụn cơm, vết trầy xước, v.v .. Phụ nữ có thai, đặc biệt là thai trên ba tháng không nên bấm huyệt, trước và trong vòng 20 phút sau bữa ăn no nặng, tập thể dục hoặc tắm. Nếu bạn bị bệnh tim

Lưu ý: Bấm huyệt không phải là phương pháp duy nhất để chữa đau đầu. Bấm huyệt được khuyên dùng như một biện pháp giảm đau tức thời chứ không phải là cách chữa đau đầu dữ dội kéo dài.

Lưu ý cuối cùng: Bấm huyệt giải phóng căng thẳng, tăng tuần hoàn và giảm đau, khiến nó trở thành một phương pháp điều trị đau đầu hiệu quả. Châm cứu và bấm huyệt thường bị nhầm lẫn với nhau. Bấm huyệt được thực hiện bằng tay hoặc bằng bút bấm huyệt, trong khi châm cứu được thực hiện bằng kim. Bấm huyệt không có tác dụng phụ nghiêm trọng, trong khi châm cứu cần phải rất cẩn thận vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan nội tạng.