Các biện pháp điều trị ung thư buồng trứng

Hà An

(Dân trí) - Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất nguy hiểm do tiến triển nhanh và diễn biến âm thầm. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư buồng trứng như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị…

BS Lê Trí Chinh, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K cho biết, ung thư buồng trứng là một trong những ung thư đường sinh dục thường gặp nhất ở phụ nữ. Trên toàn thế giới thì ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ hai sau ung thư cổ tử cung, và cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Việc điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Các biện pháp điều trị ung thư buồng trứng - 1

Ung thư buồng trứng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm (Ảnh: Mayoclinic).

Phẫu thuật

Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong ung thư buồng trứng nói chung. Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn số một để điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Phẫu thuật giúp đánh giá giai đoạn chính xác vì trong khi phẫu thuật có thể kiểm tra tình trạng khối u, buồng trứng đối bên và toàn bộ các tổn thương trong ổ bụng.

BS Chinh cho biết, với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng, đặc biệt là ung thư buồng trứng giai đoạn đầu, phẫu thuật luôn là liệu pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị.

Thông thường, bệnh nhân sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch ở ổ bụng. Nhưng nếu bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn. Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi.

Phương pháp mổ nội soi có nhiều ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, mang tính thẩm mỹ cao, rút ngắn thời gian nằm viện và bệnh nhân mau chóng hồi phục. Phẫu thuật có thể gây ra các cơn đau ngắn và khiến bệnh nhân đi tiêu, đi tiểu khó khăn.

Hóa trị

Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lây lan mà các bác sĩ chưa thể cắt bỏ hết được, hóa trị liệu sẽ giúp tiêu diệt phần còn sót lại đó.

Điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn I, II:

- Hóa chất truyền tĩnh mạch.

- Hóa chất truyền ổ bụng.

- Hóa chất duy trì.

Hóa trị tác động đến cả tế bào gây bệnh lẫn các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ phụ thuộc nhiều vào loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng.

Khi điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây nên cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, sạm da và móng.... Khi thấy dấu hiệu bất thường, bạn có thể chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn thêm.

Điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn III, IV. Có hai phương thức truyền hóa chất bổ trợ ở bệnh nhân giai đoạn này là hóa chất tĩnh mạch hoặc kết hợp hóa chất tĩnh mạch và hóa chất ổ bụng.

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia phóng xạ để trị liệu, đây là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị cũng sẽ động đến các tế bào bình thường và tế bào gây bệnh. Các tác dụng phụ xảy ra do xạ trị phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và phần cơ thể bị chiếu xạ.

Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp này là cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đái khó, tiêu chảy và biến đổi da vùng bụng. Xạ trị trong phúc mạc gây ra hiện tượng đau bụng và tắc ruột.

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, các triệu chứng xuất hiện khi đó thường không đặc hiệu và người bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì điều này mà hơn 75% người mắc ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Khi có các triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

- Đầy hơi hoặc tăng kích thước bụng.

- Đau ở vùng xương chậu hoặc vùng bụng.

- Cảm giác no hoặc khó ăn.

- Cần đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp.

Các triệu chứng ung thư buồng trứng giai đoạn cuối có thể bao gồm mệt mỏi, đau lưng, đầy hơi và buồn nôn.